Nghị luận đánh giá những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Bến đò ngày xưa (Anh Thơ)
Viết bài văn nghị luận đánh giá những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Bến đò ngày xưa của Anh Thơ.
Tìm hiểu về tác giả Anh Thơ và bài thơ Bến đò ngày xưa
Tác giả Anh Thơ
Tiểu sử:
– Nữ sĩ Anh Thơ (25/1/1919 – 14/3/2005) tên thật là Vương Kiều Ân.
– Quê: tỉnh Hải Dương, trong một gia đình viên chức nhỏ, xuất thân Nho học.
– Cha là nhà nho, đậu tú tài, làm trợ tá. Vì công việc của cha, Anh Thơ thường phải chuyển trường học nhiều nơi.
Cuộc đời:
– Dù lười học nhưng Anh Thơ rất thích văn chương, tập làm thơ từ nhỏ.
– Thay đổi bút hiệu nhiều lần: Tuyết Anh, Hồng Anh, và cuối cùng là Anh Thơ.
– Thơ của bà từng đăng trên các tuần báo nổi tiếng như Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Ngày nay, Phụ nữ, Bạn đường.
Sự nghiệp:
– Xuất bản nhiều tác phẩm đáng chú ý, bao gồm:
– Bức tranh quê (thơ, 1941)
– Xưa (thơ, hợp tác với Bàng Bá Lân, 1941)
– Răng đen (tiểu thuyết, 1942)
– Hương xuân (thơ, in chung, 1943)
– Kể chuyện Vũ Lăng (1957)
– Theo cánh chim câu (1960)
– Đảo ngọc (1963)
– Hoa dứa trắng (1967)
– Mùa xuân màu xanh (thơ, 1974)
– Quê chồng (1977)
– Lệ sương (thơ, 1996)
Giải thưởng:
– Giải khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn năm 1939 với thi phẩm Bức tranh quê.
– Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Bài thơ Bến đò ngày xưa
Bài đọc
Bến đò ngày xưa
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt,
Mặc con thuyền cắm lại đậu trơ vơ.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo?
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu,
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội hoạ hoằn người đến chợ,
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và hoạ hoằn một con thuyền ghé chở,
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa
(Bức tranh quê, Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, NXB Văn học, 2003, Tr216)
Nội dung bài thơ: Bài thơ mang đến một bức tranh quê ngày mưa với tâm trạng con người man mát buồn, xen lẫn với cảm giác cô đơn, lạnh lẽo thông qua hình ảnh của cảnh vật đơn sơ, tiêu điều và bến đò vắng vẻ sau cơn mưa. Nhưng đồng thời, lại cho thấy sự yên bình của làng quê và gợi cho em những kỷ niệm, nỗi nhớ quê hương tha thiết.
Dàn ý Nghị luận đánh giá những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Bến đò ngày xưa
Mở bài
Giới thiệu tác giả tác phẩm và vấn đề nghị luận.
Thân bài
Triển khai vấn đề nghị luận.
– Nhân vật trữ tình: Không trực tiếp xuất hiện trong bài thơ. Song người đọc có thể cảm nhận được sự gắn bó và yêu mến của nhân vật trữ tình với làng quê qua hệ thống hình ảnh, nhịp điệu và trạng thái cảnh vật.
– Hình ảnh: Bài thơ là bức tranh thôn quê bình dị, thân thuộc với những hình ảnh gần gũi, mộc mạc gắn bó với người dân thôn quê: tre, chuối, dòng sông, bến vắng, phiên chợ, bà hàng, quán hàng, bác lái….Thiên nhiên sinh động, con người mộc mạc.
– Từ ngữ: tác giả sử dụng nhiều từ ngữ giàu sức gợi hình, rất nhiều từ láy (rũ rợi, ướt át, bơ phờ, rào rạt, chơ vơ, lạnh lẽo, xo ro, sù sụ, họa hoằn, âm thầm) vừa góp phần gợi hình ảnh, vừa góp phần tạo nhạc tính cho bài thơ.
+ Biện pháp tu từ: Biện pháp điệp từ “dầm mưa”, “họa hoằn”; biện pháp nhân hóa và liệt kê, so sánh có tác dụng vừa diễn tả cụ thể, vừa diễn tả sinh động, gợi cái hồn quê nơi bến vắng.
+ Bài được viết theo thể tự do, gieo vần linh hoạt, chủ yếu là vẫn chân (“at, “ơ”, “o”); nhịp thơ chậm rãi, phù hợp với việc miêu tả không gian, nhịp sống nơi làng quê
Kết bài
Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ
Nghị luận đánh giá những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Bến đò ngày xưa
Anh Thơ là một gương mặt hiền hòa lặng lẽ, nhưng cũng không kém vẻ tân kỳ. Chị đem lại cho Thơ mới một phong cách độc đáo, đặc biệt. Sau Tương Phố mười lăm năm, cùng các nhà thơ nữ đương thời Vân Ðài, Mộng Tuyết, Hằng Phương…, Anh Thơ đã góp phần chứng tỏ truyền thống nữ lưu văn học không hề đứt đoạn, mà càng nảy nở. Thơ của Anh Thơ hiền hoà ở cấu trúc, giọng điệu, ở bút pháp, nhưng tân kì ở những chi tiết. hình ảnh, những câu thơ rất ảo rất say. Bến đò ngày mưa dựng lại một khung cảnh bến đò nhỏ nơi làng quê vào ngày mưa. Nét vẽ thơ là nét tả thực, không bộn bề chi tiết, nhưng cũng gợi được cái hồn xưa cảnh cũ của thôn cảnh xứ Bắc thuở nào.
Bài thơ gợi tả quang cảnh của một bến đò trong ngày mưa. Qua việc khắc họa bức tranh cảnh vật và con người nơi bên đò, Anh Thơ đã gợi lên nét đặc trưng quen thuộc của phong cảnh làng quê Việt. Tuy không trực tiếp khẳng định nhưng tác giả cũng đã bộc lộ tình cảm yêu mến đối với cảnh với người và gởi đến thông điệp về tình yêu đối với những bình dị, thân thuộc của quê hương.
Về hình ảnh, hình ảnh thiên nhiên quen thuộc, bình dị, được miêu tả sinh động: tre, chuối, bến, dòng sông, con thuyền, vài quán hàng; hình ảnh con người hiện lên chân thực, gần gũi, gợi lên nhịp sống chậm rãi, bình yên nơi thôn quê: một bác lái…, bà già…, người đến chợ…
Về điểm nhìn: Bến đò ngày mưa là tranh thơ được vẽ bằng con mắt đa cảm, con mắt tình quê của nữ sĩ Anh Thơ. Vì vậy, bức tranh là một góc nhìn, ghi lại ấn tượng, cảm xúc về cảnh quê đơn sơ mà có hồn. Cảnh quê, nét nào cũng hoang vắng, bình lặng và buồn; nhưng thấm sâu trong cảnh là tâm trạng bâng khuâng, luyến níu của thi sĩ. Hai nét cảnh quê và tình quê làm nên linh hồn của từng bài thơ
Sự phát triển của hình tượng chính: Bài thơ mở ra là cảnh ven bờ, đầu bến. Trong không gian nghiêng nghiêng xa cách ấy, những tạo vật tre, chuối, dòng sông, con đò – những hình ảnh quen thuộc ở làng quê Bắc Bộ – như đang phơi mình tắm mưa.
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng giầm mưa.
Và giầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lái đậu chơ vơ
Không gian thơ đã có sự chuyển dịch từ sông đến bến, từ mưa đến lạnh, từ bến vắng đến quán nghèo và hẹp. Đắm mình trong không gian ấy là những quán hàng ế khách đang co ro vì lạnh và hai con người với hai hoạt động “thù nghịch” nhau, nối kết nhau. Ba hình ảnh vừa gợi được cái lạnh của mưa, vừa gợi được không khí vắng lặng của bến đò vừa gợi được sự ấm áp của lòng người.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo,
Vài quán hàng không khách đứng co ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Mạch thơ như mở rộng ra. Không gian ngoại vi bến đò đã có phần đông người hơn.
Ngoài đường lội hoạ hoằn người đến chợ
Thúng đội dầu như đội cả trời mưa
Và hoạ hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
Khổ thơ có hai nét cảnh với hai không gian con đường và bến sông. Hai không gian gợi sự chuyển vận, gợi sự sống của con người.
Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ được thể hiện qua các điểm:
Từ ngữ: tác giả sử dụng nhiều từ ngữ giàu sức gợi hình, rất nhiều từ láy (rũ rợi, ướt át, bơ phờ, rào rạt, chơ vơ, lạnh lẽo, xo ro, sù sụ, họa hoằn, âm thầm) vừa góp phần gợi hình ảnh, vừa góp phần tạo nhạc tính cho bài thơ
Biện pháp tu từ: Biện pháp điệp từ “dầm mưa”, “họa hoằn”; biện pháp nhân hóa và liệt kê, so sánh có tác dụng vừa diễn tả cụ thể, vừa diễn tả sinh động, gợi cái hồn quê nơi bến vắng.
Bài được viết theo thể tự do, gieo vần linh hoạt, chủ yếu là vẫn chân (“at, “ơ”, “o”); nhịp thơ chậm rãi, phù hợp với việc miêu tả không gian, nhịp sống nơi làng quê.
Bến đò ngày mưa có cấu trúc chặt chẽ, chi tiết bình thường đã được nhà thơ thổi vào đấy sức sống mới nên có sức hấp dẫn riêng. Cùng với “Chiều xuân”, “Trưa hè”,… bài thơ đã thể hiện rõ nét riêng trong sáng tác của Anh Thơ. Cái đẹp của tác phẩm được tạo thành bởi bút pháp lấy động tả tĩnh, cách sử dụng từ láy, các từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm,…