Nghị luận cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường

Văn học luôn mang nét nghệ thuật riêng, hãy cùng tìm hiểu qua Nghị luận cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường nhé.


Dàn ý Nghị luận cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường.

1. Mở bài 

Nêu ra vấn đề nghị luận.

2. Thân bài 

- Giải thích vấn đề: 

+ Cái đẹp trong văn học: Yếu tố thẩm mỹ, là những cái đẹp về hình thức, nhân vật, nghệ thuật…

+ Cái đẹp độc đáo, khác thường: cái đẹp khuất lấp ở những nơi không ai ngờ tới, hoặc đó có thể là cái đẹp siêu việt, phi thường, vượt lên trên những giới hạn của đời sống.

Đề cao cái đẹp của văn học là cái đẹp từ hiên thực và mang tới những cái đẹp cho cuộc sống.

- Tại sao cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường.

+ Văn học phản ánh cái đẹp: Giá trị thẩm mỹ chính là đặc trưng của văn học. Nó giúp khu biệt văn học với các hình thái ý thức xã hội khác như lịch sử, triết học. 

+ Cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường: Sáng tác văn học là quá trình sáng tạo mang tính chất cá thể, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. 

- Dẫn chứng.

Trong tác phẩm “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khám phá ra một vẻ đẹp độc đáo, khác thường – đó là cái đẹp đặc tuyển của nhân cách con người, của con chữ trong cảnh đề lao tràn ngập bóng tối và những điều phi nhân.

- Bàn luận mở rộng. 

Trong văn học, cái đẹp độc đáo, khác thường không nhất thiết phải là những gì lớn lao kì vĩ hoặc hoành tráng, đó có thể là những vẻ đẹp rất bình dị, gần gũi với bất kì ai, nhưng chính cái nhìn của người nghệ sĩ đã khám phá ra những điểm độc đáo, có ý nghĩa nơi những sự vật tưởng như ai cũng quen thuộc. Điều đó đòi hỏi cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ.

Cái đẹp ấy cần được truyền tải bằng một hình thức nghệ thuật phù hợp, độc đáo.

3. Kết bài 

Khẳng định về ý kiến trên.

Nghị luận cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường.

Bài mẫu Nghị luận cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường.

Văn học luôn mang đến những cái nhìn về bài học cuộc sống một cách đẹp nhất, bởi vậy mà mỗi hình ảnh, sự việc diễn ra trong mỗi tác phẩm đều có ý nghĩa riêng. Chính vì điều đó có ý kiến cho rằng: “cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường”, thật đúng đắn.
Văn học luôn hướng tới những cái đẹp đầy ý nghĩa. Và ở đó cái đẹp trong văn học được cho là những yếu tố thẩm mỹ, là những cái đẹp về hình thức, nhân vật, nghệ thuật… Cái đẹp ấy tồn tại qua cách nhìn của tác giả với cuộc sống và cách đưa cuộc sống vào tác phẩm qua ngôn từ, phong cách riêng của mình. Và ở đó tạo nên những giá trị của cuộc sống. Cũng không sai khi những cái đẹp trong văn học được cho là cái đẹp độc đáo, khác thường bởi qua đó mà ta thấy được cái đẹp khuất lấp ở những nơi không ai ngờ tới, hoặc đó có thể là cái đẹp siêu việt, phi thường, vượt lên trên những giới hạn của đời sống. Điều đó thật đơn giản, dễ hiểu như đề cao cái đẹp cái đẹp đến từ hiên thực và mang tới những cái đẹp cho cuộc sống.

Cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường là có nguyên nhân của nó. Trước tiên ta đều thấy rằng văn học phản ánh cái đẹp, ta thấy qua đặc trưng của văn học là hình thức sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nhà văn sáng tạo nên tác phẩm dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ. Trong nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ góp phần định hướng tư duy theo tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ. Những nghệ sĩ chân chính, qua hoạt động nghệ thuật của mình, đã khẳng định những tư tưởng tiến bộ, nhằm phục vụ điều thiện và chính nghĩa. Thiếu khát khao vươn tới cái đẹp, nghệ thuật sẽ mất đi sức mạnh cơ bản của nó, sẽ không thể thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo xã hội. Cho nên, nghệ thuật không những phản ánh quy luật của đời sống mà còn phản ánh cách đánh gía thẩm mỹ về đời sống. Trong đó, giá trị thẩm mỹ chính là đặc trưng của văn học. Nó giúp khu biệt văn học với các hình thái ý thức xã hội khác như lịch sử, triết học. Nói đến văn học, là nói đến cái đẹp. “Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”.  Nói về cái đẹp trong văn học là cái đẹp độc đáo, khác thường ta lại thấy các sáng tác văn học là quá trình sáng tạo mang tính chất cá thể, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng.”. Do đó, văn học thường hướng đến những cái đẹp độc đáo, những cái đẹp khác thường. Mặt khác, văn học luôn sáng tác ra cho con người và vì con người. Văn học chính là cầu nối giữa trái tim với trái tim giữa tâm hồn với tâm hồn. Văn học là “người thư kí trung thành của trái tim” luôn thấu hiểu những tâm tư tình cảm những niềm ngưỡng vọng muôn thuở của nhân loại. Mà khát vọng muôn đời của nhân loại chính là vươn đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, vượt thoát khỏi giới hạn tồn tại của không gian và thời gian để hướng đến những giá trị vĩnh hằng, bất diệt. Những cái đẹp độc đáo, khác thường xuất hiện trong văn học như một lẽ tự nhiên.

Ta thấy được cái đẹp độc đáo, khác thường một cách rõ nét qua tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, là cái đẹp đặc tuyển của nhân cách con người, của con chữ trong cảnh đề lao tràn ngập bóng tối và những điều phi nhân. Trước tiên, đối với nhân vật Huấn Cao, cái đẹp đặc tuyển đạt đến độ “hoàn thiện, hoàn mỹ” khi ở đó kết tinh tài năng, nhân cách, thiên lương của ông Huấn. Sau đó là nhân vật viên quản ngục, cái đẹp đặc tuyển thể hiện trong tấm lòng biệt nhỡn liên tài và tình yêu thiết tha với con chữ, khiến ông trở thành “thanh âm trong trẻo trong một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Tất cả nét đẹp của nhân vật châu tuần về biểu tượng chữ – hiện thân của cái đẹp làm nên sự thay đổi tình huống lạ lùng trong tù lao. Khi cái đẹp sinh thành và ngự trị, quy luật của cái đẹp đã lấn át mọi quy luật của đời sống. Lúc này không còn viên quản ngục, không còn người tù, không còn bề trên, không còn kẻ dưới, tất cả tháo bỏ hết mọi lớp mặt nạ đời sống để trở về với bản nguyên của mình trong tư cách “Con Người đứng trước Cái Đẹp”. Lúc này chỉ còn người sáng tạo cái đẹp và người thụ hưởng cái đẹp, chỉ còn những tấm lòng tri âm tri kỉ. Ánh sáng của cái đẹp rực rỡ đẩy lùi bóng tối, làm hồi sinh sự sống, cái đẹp trở thành đỉnh cao mà các nhân vật chính là những chân trụ của nó – mỗi nhân vật đều trở thành một hiện thân của cái đẹp, họ là “tam vị” của nhất thể thiêng liêng và huyền nhiệm – cái đẹp. Tiến sĩ Chu Văn Sơn gọi cảnh cho chữ này là “sự nổi loạn của cái đẹp”.

Trong văn học, cái đẹp độc đáo, khác thường không nhất thiết phải là những gì lớn lao kì vĩ hoặc hoành tráng, đó có thể là những vẻ đẹp rất bình dị, gần gũi với bất kì ai, nhưng chính cái nhìn của người nghệ sĩ đã khám phá ra những điểm độc đáo, có ý nghĩa nơi những sự vật tưởng như ai cũng quen thuộc. Điều đó đòi hỏi cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ. Cái đẹp ấy cần được truyền tải bằng một hình thức nghệ thuật phù hợp, độc đáo.

Văn chương luôn là một liều thuốc chữa lành tới mỗi người đọc. Và trong đó, cái đẹp trong văn chương là những cái đẹp độc đáo, khác thường mà ở đó tác giả gửi gắm những bài học rất đời tới người đọc. 
 

Tuyết Nhung
19/3/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question