Luyện tập trang 88, 89 Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức


Luyện từ và câu

Câu 1: Tìm từ chỉ đặc điểm phẩm chất trong đoạn thơ dưới đây:

Có một giờ Văn như thế

Lớp em im phắc lặng nghe

Bài “Mẹ vắng nhà ngày bão”

Cô giảng miệt mài say mê.

Ai cũng nghĩ đến mẹ mình

Dịu dàng, đảm đang, tần tảo

Ai cũng thương thương bố mình

Vụng về chăm con ngày bão.

(Nguyễn Thị Mai)

Lời giải:

Những từ ngữ chỉ đặc điểm phẩm chất trong đoạn thơ là: im phắc, miệt mài, say mê, dịu dàng, đảm đang, tần tảo, vụng về

Câu 2: Ghép mỗi câu sau với kiểu câu thích hợp.

- Chị xóa dòng “Nấu ăn không ngon” đi chị!

- A, bố rất đẹp trai nữa ạ!

- Chị cắm cúi viết thêm vào tấm thiệp.

* Câu kể

* Câu cảm

* Câu khiến

Lời giải:

Câu kể: Chị cắm cúi viết thêm vào tấm thiệp.

Câu cảm: A, bố rất đẹp trai nữa ạ!

Câu khiến: Chị xóa dòng “Nấu ăn không ngon” đi chị!

Câu 3: Nêu dấu hiệu nhận biết câu khiến.

Lời giải:

Câu khiến có dấu hiệu nhận biết là:

- Trong câu có chứa các từ: thôi, hãy, đi, quá, lắm, …

- Kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm.

- Dùng để đưa ra yêu cầu đối với người khác.

Câu 4: Sử dụng các từ hãy, đừng, chớ, đi, thôi, nào, nhé để đặt câu khiến trong các tình huống dưới đây:

a. Muốn các em nhỏ trật tự để xem phim

b. Muốn bố mẹ cho về thăm quê

c. Muốn bố mua cho cuốn truyện mình thích

Lời giải:

a. Muốn các em nhỏ trật tự để xem phim

- Các em không nói chuyện riêng nhé!

- Các em trật tự một chút nào!

- Các em đừng nói chuyện riêng nữa!

b. Muốn bố mẹ cho về thăm quê

- Bố mẹ cho con về quê thăm ông bà nhé ạ!

- Bố mẹ cho con về thăm quê đi mà!

c. Muốn bố mua cho cuốn truyện mình thích

- Bố mua cho con cuốn truyện tranh này nhé ạ!

- Bố mua cho con cuốn truyện kia đi!

- Bố mua cho con cuốn truyện Doraemon bố nhé!


Luyện viết đoạn

Câu 1: Quan sát một đồ vật trong tranh, ghi lại những điều đã quan sát được về đặc điểm của đồ vật.

Luyện tập trang 88, 89 Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Lời giải:

- Chiếc xe đạp:

(1) Màu sắc: xanh dương nước biển

(2) Đặc điểm hình dạng, kích thước: xe cao ngang người, giỏ xe hình vuông, thân xe thuôn dài, xe đứng vững được nhờ chân chống.

(3) Đặc điểm hoạt động, công dụng: xe chạy bằng sức đạp của người, giúp em di chuyển nhanh chóng hơn.

- Đồng hồ

(1) Màu sắc: Xanh lá cây, vàng, đỏ

(2) Đặc điểm hình dạng, kích thước: Hình tròn, bên trên có 2 chiếc chuông nhỏ, có 2 chiếc chân nhỏ, có 3 chiếc kim chỉ giờ, phút, giây.

(3) Đặc điểm hoạt động, công dụng: Chỉ giờ, báo thức

- Cặp sách:

(1) Màu sắc: Xanh da trời, đỏ

(2) Đặc điểm hình dạng, kích thước: Hình chữ nhật, có 2 quai

(3) Đặc điểm hoạt động, công dụng: Đựng sách vở và các đồ dùng học tập khác: bút chì, thước kẻ, bảng,...

- Lật đật

(1) Màu sắc: Đỏ, cam

(2) Đặc điểm hình dạng, kích thước: Gồm các hình tròn to nhỏ gắn với nhau

(3) Đặc điểm hoạt động, công dụng: Làm đồ chơi

- Đèn bàn học:

(1) Màu sắc: màu đỏ, màu trắng

(2) Đặc điểm hình dạng, kích thước: đế đèn hình con gấu xinh xắn, chụp đèn bao quanh bóng đèn.

(3) Đặc điểm hoạt động, công dụng: Đèn chạy bằng điện và có núm bật/tắt, soi sáng khi học bài,..

Câu 2: Quan sát một đồ vật có trong nhà hoặc trong lớp. Viết 3 – 4 câu tả đồ vật đó.

G:

- Viết câu tả màu sắc

M: Chiếc cặp sách màu xanh da trời trông thật mát mắt.

- Viết câu tả hình dáng, kích thước

M: Quai cặp to bản, hơi cong cong để khi xách không bị đau tay.

- Viết câu tả hoạt động, công dụng

M: Mỗi khi đóng, mở nắp cặp, tiếng “tách tách” của ổ khóa nghe thật vui tai.

Lời giải:

Quyển vở ô li

- Quyển vở ghi bài ô li của em có bìa màu đỏ cùng vài họa tiết bông hoa trông rất xinh xắn.

- Vở nhỏ hơn quyển sách giáo khoa một chút.

- Nhờ có những ô li mà em viết dễ dàng và khoa học hơn.

Bảng

- Chiếc bảng lớp em có màu xanh rêu.

- Bảng có hình chữ nhật, được treo trên tường chỗ bục giảng của cô giáo.

- Ngoài công dụng để viết thì bảng còn có thể treo tranh, ảnh, giấy lên trên bằng cách gắn nam châm.

- Sau mỗi giờ học, bảng lúc nào cũng kín những dòng chữ của cô giáo.


Vận dụng

Câu hỏi: Tìm đọc câu chuyện, bài văn, bài thơ, … về người thân.

Lời giải:

Ví dụ:

VỀ THĂM MẸ

Tác giả: Đinh Nam Khương

Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi.

Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn...
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

YÊU MẸ

Mẹ đi làm
Từ sáng sớm
Dậy thổi cơm
Kho thịt cá

Em kề má
Được mẹ thơm
Ôi mẹ ơi!
Yêu mẹ lắm.

* Câu chuyện: Tự hào có bố là bộ đội

Các bạn biết không! Trong một giờ tập làm văn ở lớp tôi, cô giáo ra đề: “Hãy kể về một người mà em yêu quý nhất”. Đề bài này quả là rất thú vị, cả lớp tôi đều rất thích vì đây là dịp để chúng tôi có thể nói lên những suy nghĩ, tình cảm về những người thân yêu của mình. Ngay sau khi cô giáo đọc đề bài, tôi liền nghĩ đến bố mình bởi bố là người tôi luôn yêu quý, kính trọng và ngưỡng mộ như một thần tượng.

Không giống như những bạn khác trong lớp có bố là bác sỹ giỏi, là doanh nhân thành đạt hay lãnh đạo của các cơ quan, xí nghiệp…, bố tôi một chiến sỹ quân đội. Đơn vị của bố đóng quân tận biên giới, nơi có đỉnh Hoàng Liên hùng vĩ, cao vút quanh năm mây phủ.

Ngày tôi chưa ra đời, bố tôi đã là một quân nhân. Tôi rất ít khi được gần bố bởi bố thường xuyên xa nhà, mỗi năm chỉ được nghỉ phép một đến hai lần vào dịp hè hoặc tết. Vì thế, mỗi lần được sum họp cùng nhau, không khí gia đình tôi ấm áp và rộn ràng hơn hẳn.

Lần nào về thăm nhà, bố cũng đem theo cho chúng tôi bao nhiêu là quà, có cả những món quà của miền biên giới là những chiếc mũ thổ cẩm, chiếc túi vải hay những dây đeo chìa khóa màu sắc xanh đỏ trông rất đẹp mắt… mà người dân địa phương nơi bố đóng quân gửi tặng. Tôi thích lắm nên hầu như không dám dùng mà cất đi làm kỷ niệm. Mỗi lần nhớ bố, tôi lại lấy ra xem và ngắm nghía.

Là đàn ông nhưng bố không nề hà bất cứ việc gì, kể cả những việc nội trợ mà mẹ vẫn thường làm. Bố bảo: “Mẹ là người vất vả nhất vì phải gánh vác tất cả mọi công việc trong gia đình, mẹ vừa phải đi làm vừa phải chăm sóc ông bà nội và nuôi nấng, dạy dỗ chúng tôi. Chính vì thế, bố phải chia sẻ những công việc đó với mẹ”.

Nói là làm, lần nào về thăm nhà, chia quà cho chúng tôi xong bố không bao giờ nghỉ ngơi mà bắt tay ngay vào công việc. Là chiến sỹ hậu cần nên bố tôi rất khéo tay, đặc biệt là trong việc bếp núc. Vừa chế biến thức ăn bố vừa nói với chị em tôi: “Là con gái các con cần phải biết làm việc nhà, biết nấu cơm, giặt giũ… không chỉ để giúp bố mẹ mà là cho chính bản thân mình sau này lớn lên có thể tự lập trước mọi hoàn cảnh”.

Bố còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về công việc của bố. Bố nói công việc của một chiến sỹ hậu cần tuy không vất vả như những chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác nhưng cũng rất ý nghĩa và vinh quanh. Để có những bữa ăn ngon cho các chiến sỹ, bố và các anh em trong đơn vị còn tích cực tăng gia sản xuất, nuôi lợn gà, cá và trồng rau xanh.

Mỗi lần về thăm nhà, ngoài thời gian dành cho gia đình, họ hàng, bố đều không quên đi hỏi thăm bà con làng xóm. Tất cả mọi người trong xóm tôi đều rất yêu quý và hết lời khen ngợi bởi sự chân thành, cởi mở của bố đối với mọi người. Ai cũng bảo mẹ tôi may mắn vì có một người chồng hiền lành, tốt bụng, hết lòng yêu thương vợ con.

Được nhận xét là “hiền khô” nhưng bố tôi là người rất cẩn thận và có lối sống rất kỷ luật. Tất cả các công việc bố đều làm rất chu đáo và ngăn nắp.

Bố lập cho chị tôi một thời khóa biểu học tập và vui chơi theo giờ giấc và kèm theo đó là hình phạt nghiêm khắc giống như một người lính. Chính vì vậy mà tôi đã biết sắp xếp góc học tập của mình ngăn nắp chứ không còn cẩu thả và hay quên như trước. Với mỗi việc mình làm, tôi đều có ý thức phải hoàn thành xong mới đi chơi.

Mỗi lần bố về, chị em tôi phải lập một bản báo cáo rõ ràng để bố kiểm tra. Bố còn dạy chúng tôi phải biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh. Thời gian gần bố tuy không nhiều nhưng với cách giáo dục ấy tôi đã dần dần trở thành một cô bé có tính cách mạnh mẽ và ý thức tự lập cao, trở thành “điểm tựa” vững vàng cho mẹ và em gái.

Cứ đến ngày sinh nhật bố, hai chị em tôi lại không quên gọi điện hỏi thăm và chúc mừng bố. Em gái tôi có tài vẽ tranh, nó còn vẽ rất nhiều bức tranh về gia đình để tặng bố. Hè năm ngoái được lên thăm đơn vị của bố, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy trong ngăn tủ của bố là những lá thư, những bức tranh của chị em tôi gửi trong nhiều năm qua. Bố coi đó là món quà quý giá nhất và luôn gìn giữ cẩn thận. Tôi biết bố yêu chúng tôi nhiều lắm!

Phạm Mai Phương (Lớp 7C, Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái)

admin
3/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question