Bài thơ Bếp lửa của tác giả Bằng Việt đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn vô cùng chân thực về tình cảm bà cháu thân thương, gắn bó. Với bài Phân tích 2 khổ cuối Bếp lửa: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa/ Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ… đặc sắc nhất, sẽ giúp các em học sinh thấy rõ tình cảm thiêng liêng đó.
Bài cảm nhận đoạn thơ: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa/Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Hình ảnh người bà, người mẹ luôn là đề tài quen thuộc trong những áng thơ, áng văn và là nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi thi sĩ làm nên bao tuyệt tác chạm đến trái tim người đọc. Và Bằng Việt, với bài thơ “Bếp lửa” cũng đã góp một tiếng thơ tuyệt mĩ ấy về hình ảnh người bà – với những cảm nhận về tình bà cháu thấm thía, sâu sắc thiêng liêng một người phụ nữ nhân hậu, bao dung, giàu tình yêu thương con, thương cháu tha thiết. Đoạn thơ hay nhất góp phần làm nên thành công cho tác giả phải kể đến đoạn thơ trên đã nói đến suy ngẫm về cuộc đời của người bà:
‘’ Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
……
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh người bà với cuộc đời vất vả, tần tảo lo cho con cháu suốt đời, đại diện cho biết bao người phụ nữ Việt Nam với đức hi sinh cao cả:
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm’’
Cuộc đời của người bà được thể hiện rõ nét với cụm từ’’ lận đận’’ đã cho người đọc cảm nhận được một hình ảnh người bà dù đã tuổi già sức yếu nhưng phải trải qua biết bao chật vật của cuộc sống, không thoát lên được vì gặp phải nhiều trắc trở, khó khăn, hết lo cho con lại lo cho cháu. Với khổ thơ gần khép lại cả toàn tác phẩm sẽ không khỏi khó khăn khi ta chợt thấy cụm từ ‘’ biết mấy nắng mưa’’ được lắp lại một lần nữa từ khổ 1 đã thấy thêm sự vất vả của người bà, gánh vác trên đôi vai bé nhỏ là cả những bộn bề của cuộc sống mà nó được tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác mà không hề có kết thúc. Người cháu thương bà đã quan tâm đến những thói quen nhỏ nhất của người bà, dù có khó khăn thì tình bà cháu vẫn luôn trỗi dậy đong đầy. Thói quen làm người cháu cảm thấy ấm áp nghĩa tình, gắn bó với tuổi thơ vẫn là hình ảnh bếp lửa bên người bà thân thuộc của mình. Ngày qua ngày ‘’ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm’’ đã hiện lên trước mắt cháu vô cùng đáng quý và thiêng liêng biết bao. Bởi người bà trong tác phẩm nói riêng và cả những người phụ nữ Việt Nam nói chung luôn có thói quen dậy sớm vì họ có nhiệm vụ lo những công việc nội trợ trong gia đình. Người cháu thương bà vô cùng thì mới có thể để ý được việc bà dậy sớm bên bếp lửa để lo cho cháu mình hay xa hơn hình ảnh ‘’ bếp lửa’’ như là ngọn đèn chỉ đường để thoát khỏi bóng tối u mờ trong cuộc sống thời bấy giờ.
Bà đã nhóm lên bếp lửa yêu thương, soi sáng con đường cháu đi:
‘’Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Điệp từ ‘’ nhóm ’’ kết hợp với một loạt hình ảnh và mỗi hình ảnh mang một ý nghĩa, một sắc thái cảm xúc riêng. Đó là tư thế sẵn sàng thắp lên những ngọn lửa xua tan mọi cực khổ của cuộc đời, soi sáng con đường cháu đến với tương lai tươi sáng hơn. Bà có một niềm tin mãnh liệt với người cháu rằng người cháu trưởng thành sẽ mang những ngọn lửa hi vọng từ người bà, thổi lên ước mơ, hi vọng ngày kia sẽ tươi sáng như ngọn lửa cháy rực kia. Một lần nữa, hình ảnh bếp lửa’’ ấp iu, nồng đượm’’ đã được nhắc lại ở cuối bài thơ như một lần nữa khẳng định tình cảm sâu sắc của hai bà cháu. Bếp lửa ấp iu, nồng đượm là bếp lửa được bàn tay dịu dàng, kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng cao cả của bà nhóm lên với tấm lòng chi chút của người nhóm bếp. Bà là biểu tượng cho người nhóm lửa, giữ lửa là biểu tượng cho những người lớp lớp cha ông truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, lòng yêu đời, niềm tin cho thế hệ mai sau. Nhóm lên bếp lửa ấy, người bà đã truyền cho đứa cháu một tình yêu thương những kỉ niệm trong chuỗi ngày gian khó ấy khiến đứa cháu không thể nào quên. Khi thì nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho người cháu qua những ngày mùa đông giá rét hay qua cái lạnh của sương sớm. Khi thì nhóm bếp để luộc khoai, luộc sắn sau nững ngày không có cơm gạo mà ăn chỉ có củ khoai củ sắn, ăn khi đói lòng. Bà không chỉ nấu cho cháu ăn mà đem đến cho cháu những tình cảm thiết tha, ngọt bùi gợi lên tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình của bà dành cho cháu. ‘’Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui’’ tình yêu thương giữa người bà và cháu còn rộng hơn là tình yêu thương tình làng nghĩa xóm với nhau. Bà dạy cháu rằng chính năm tháng khó khăn ấy đã gắn liền với tình làng nghĩa xóm, chính sự vất vả ấy nhưng đối với cháu sẽ không thể nào quên những kỉ niệm bên bà, bên bếp lửa, bên hàng xóm thân thương ấy. Thật là quá khứ gian lao mà nghĩa tình. Chính điều đó đã khơi dậy trong lòng đứa cháu “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” chính là khơi dậy trong cháu những kí ức về bà, về bếp lửa, về những tình cảm đẹp đẽ thuở còn thơ với bà, thắp lên ở cháu tình người, nuôi lớn cháu cả tâm hồn và thể xác. Chính những điều ấy đã trở thành động lực, niềm tin cho cháu chiến đấu hôm nay.
“Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Hai từ ‘’ Bếp lửa’’ xuyên suốt cả bài thơ, gắn bó với tác giả biết bao kỉ niệm về thời thơ ấu của chính mình. Chắc hẳn, ông viết như viết được cảm xúc thật của mình bởi ông đã đi qua và trải qua những ngày tháng đó, ông yêu bà, yêu chính kỉ niệm đẹp đẽ của mình nhiều hơn là sự biết ơn, kính trọng và yêu quý tới người bà đáng kính, ông trân trọng nâng niu từng kỉ niệm trong thuở nhỏ. Câu thơ cảm thán và cấu trúc đảo ngữ thể hiện niềm xúc động dâng trào, là tấm lòng của người cháu xa quê. Kì lạ và thiêng liêng vì bếp lửa là nơi lưu giữ bao kỉ niệm, bà đã nuôi dưỡng cháu bằng cả tâm hồn chắp cánh ước mơ, giúp cháu có một tuổi thơ đầy kỉ niệm. Bà không chỉ nuôi lớn về thể xác mà nuôi sống cả tâm hồn, dạy cháu nhiều điều hay, thay bố mẹ nuôi lớn những đứa cháu với những nhân cách tốt đẹp. Chỉ với hai từ’’ Bếp lửa’’ đã ghi dấu ấn kì lạ và sức rung động trong tình cảm thiêng liêng của mỗi độc giả giúp cảm nhận rõ nét từ ngọn lửa yêu thương được nhóm lên trong mỗi gia đình Việt.
Đoạn thơ khép lại với biết bao cảm xúc bồi hồi, nhà thơ đã thành công khi vận dụng hình ảnh bếp lửa một cách chân thực và rõ nét nhất khiến người đọc một lần nữa được trở về tuổi thơ bên chính bếp lửa của mình. Bằng cách này,tác giả cũng bày tỏ sự biết ơn và yêu quý tới người bà đáng kính của ông nói chung và thể hiện tấm lòng kính trọng với người phụ nữ Việt Nam nói chung