CHUYÊN ĐỀ 5. TRUYỆN NGẮN, TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

“Không có quá nhiều thầy cô đủ kiên nhẫn và sự bao dung để bước trên con đường đầy gian khó – đồng hành cùng học sinh khuyết tật. Học trò của họ là những cậu bé, cô bé không nhìn thấy ánh sáng. Nhưng các giáo viên tình nguyện cộng tác với Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu đã và đang đem đến nguồn ánh sáng tri thức diệu kỳ, mở ra cơ hội thay đổi cuộc đời cho các em nhỏ.

Tôi vẫn quan niệm rằng phải có mắt rất là sáng thì mới có thể hiểu nghệ thuật được chứ, vậy nhưng bằng niềm yêu thích, đam mê với cái đẹp, thế nên là các em ở trường Nguyễn Đình Chiểu lại nghĩ là: Không có đôi mắt sáng vẫn tới được nghệ thuật để trở thành một nghệ sĩ.

Trải qua gần 20 năm, với sự chung tay của nhiều tấm lòng hảo tâm, ngôi nhà nghệ thuật ấy vẫn đang tiếp tục được duy trì, là nơi các em học sinh khiếm thị được tự do tiếp cận nhiều hơn với hội họa và gốm. Hành trình của những trái tim yêu nghệ thuật được nối dài bởi chính sự kiên nhẫn từ các thầy cô giáo tình nguyện viên của lớp học.

Lòng tốt chính là thứ ánh sáng diệu kỳ giúp cho cô gái trẻ 29 tuổi, người Ba Na -Y Byen trở thành là mẹ của 2 đứa con nuôi. 14 năm trước, đang ở tuổi cắp sách đến trường nhưng Y Byen đã phải chứng kiến cảnh một đứa bé đang còn “đỏ hỏn” bị bóp cổ vì hủ tục “chôn theo mẹ” nên cô bé đã bất chấp để xin đứa bé về nuôi. Làm mẹ nuôi ở tuổi 15 với bao khó khăn, 10 năm sau cô gái ấy tiếp tục cứu một đứa bé khác bị bỏ tại nghĩa địa và nhận làm con. ”

(Việc tử tế và những ánh sáng diệu kì, Xuân Thạch, theo tintuconline.com.vn, ngày 03/02/2019)

a. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên. Tại sao anh/chị nhận ra điều đó?

b. Nhân vật trong phóng sự đã trải qua những khó khăn nào? Điều này đem đến cho anh/chị suy nghĩ gì về tấm lòng của các giáo viên tình nguyện viên được miêu tả trong đoạn trích?

c. Câu in đậm trong đoạn trích (đoạn văn thứ 2) sử dụng sai phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong văn bản trên. Hãy chỉ ra và sửa lại cho đúng phong cách ngôn ngữ của văn bản này

Bài làm:

a. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Nguyên nhân: Ngôn ngữ thể hiện các đặc điểm như tính thời sự, tính ngắn gọn và tính hấp dẫn (học sinh tự chỉ ra).

b. – Những khó khăn mà các thầy cô phải trải qua: Đồng hành cùng với các học sinh khuyết tật, không nhìn thấy ánh sáng.

– Cảm nhận của học sinh: Học sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều cách khác nhau, thể hiện cái nhìn cảm thông với những tấm lòng cao cả của những người thầy cô luôn tận tâm vì những học trò còn nhiều thiệt thòi của mình.

c. Câu văn sử dụng những từ ngữ của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, lời ăn tiếng nói hằng ngày như “rất là”, “được chứ”, “thế nên là”…

Cần sửa lại ngôn ngữ cho đúng phong cách ngôn ngữ báo chí như sau:

Nhiều người quan niệm phải có thị giác mới đến được nghệ thuật, vậy nhưng bằng niềm yêu thích, đam mê với cái đẹp, các học trò trường Nguyễn Đình Chiểu đã mang đến một cái nhìn khác: Không có đôi mắt sáng vẫn tới được nghệ thuật để trở thành một nghệ sĩ.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *