Skip to content
Danh mục:

Đọc hiểu Gọi con

Post date:
Author:
Number of comments: no comments

Tổng hợp các đề Đọc hiểu Gọi con có đáp án chi tiết nhất bám sát nội dung các đề thi Văn Đọc hiểu

Ngữ liệu đọc hiểu bài Gọi con

(Tóm lược phần đầu: Con cái thành đạt, hiếu thảo nhưng mẹ Tân lúc nào cũng “cứ rầu rầu, lặng lặng và cứ thích thui thủi thế”.  Sau khi mẹ mất, Tân mang chiếc rương – kỉ vật của mẹ để lại về nhà mình.)

Tất cả những lá thư gói chung trong tờ báo cũ để dưới đáy rương đều là của mẹ gửi cho em trai của Tân. Trên tất cả các phong bì, tên người nhận đều là Nghĩa, tất cả đều được kiên nhẫn gửi tới một số hiệu hòm thư duy nhất, và tất cả đều là những lá thư do bưu điện huyện Lương Sơn kiên nhẫn gửi trả lại. Tất cả còn để nguyên chưa được bóc ra.

[…] Sang Tiệp tròn một năm, Tân được thư của mẹ báo tin Nghĩa vào bộ đội. Nhận giấy gọi vào Bách khoa trước giấy gọi nhập ngũ vậy mà Nghĩa nhất định không nghe theo lời bàn của cha mẹ. […] Bà cho Tân số hòm thư của Nghĩa và hối thúc anh viết ngay gửi sớm để em nó mừng. Bà kể là đã lên thăm Nghĩa ở trại luyện tân binh trên Bãi Nai – Hòa Bình, thấy nó vất vả, gian khổ, thương lắm. Hồi đó, đọc biết thế, nhưng bây giờ mở xem lá thư mẹ viết cho Nghĩa mới thấy thấu cái tình thương xót của mẹ đối với nó.

“Người ta bảo là ở rừng thì dù nhọc mệt thế nào cũng chớ có ngủ trưa, vì bị ngã nước đấy con ạ. Hại sức lắm, mà mẹ thì ở xa chẳng lo được cho con… Mẹ lại thường hay nghĩ đến cái tính liều của con. Con ơi, có báo động dù chưa tiếng tàu bay vẫn phải tăng xê xuống ngay. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thương mẹ thương cha con phải tự thương xót lấy mình con nhé…”

Chỗ quà này mẹ gói ra hai mầu để con phân biệt. Gói bọc giấy xanh là kẹo, bánh, thuốc lá thì con mời anh em bè bạn với cấp chỉ huy. Riêng thuốc lá mẹ mong con hút ít. Nghe nói nơi các con đóng binh người dân tộc nấu rượu sắn nhiều lắm, mẹ lo. Uống rượu, hút thuốc hỏng đời con ạ. Còn trong gói đỏ là kim chỉ, đá lửa, pin, cặp ba lá, con phải cất kỹ. Các thức ấy không vặt vãnh đâu, ở Hà Nội đã khó kiếm, trong Khu Bốn với bên Lào lại càng quý báu. Nặng thêm một chút nhưng con gắng mang. Phòng khi ốm đau cảm cúm, nhất là chẳng may mà sốt rét thì đem đổi lấy thịt thà rau quả mà bồi dưỡng cho chóng lại. Mấy bà trong khối phố có con đi bộ đội trước con họ bày kinh nghiệm cho mẹ như thế…”.

Tân không hiểu gói quà ấy có đến tay Nghĩa không, bởi rõ ràng tất cả những phong thư anh đang thấy đây mẹ anh đều đã gửi lên Lương Sơn khi mà đơn vị của Nghĩa đã rời đi. Tất cả đều bị gửi ngược về hoàn trả, nhưng mẹ vẫn nhẫn nại viết và nhẫn nại gửi cầu may tới cái hòm thư đã hoang phế đó. Mấy bức đầu mẹ anh viết ngắn như là viết vội để gửi đi gấp. Không viết gì nhiều, những thư ấy chỉ hối Nghĩa mau biên thư về cho cha mẹ hay số hòm thư mới với lại hiện đang ở đâu, sức khoẻ thế nào. Nhưng theo dần năm tháng chiến tranh, thư của mẹ ngày một nhiều trang hơn và ngày một buồn bã hơn. Gửi đi bao nhiêu nhận lại bấy nhiêu, những lá thư của mẹ càng về sau càng như nhật ký, như là để gửi tới chính mình. Chữ mẹ nắn nót, dễ đọc dẫu mầu mực đã phai, dòng nối dòng đều đều, miên man che giấu niềm vô vọng. Mẹ kể rằng đêm qua mẹ nhìn thấy Nghĩa nhưng chưa kịp gọi thì đã tỉnh, tỉnh dậy thì đã chẳng còn lại gì, chẳng níu giữ được gì nữa cả, trong phòng tối đen, ngoài trời còi báo động hú vang.Khác với mẹ, cha chưa bao giờ thấy Nghĩa trong giấc ngủ, nhưng lại hay thoáng thấy con trai út của mình ngoài phố.

Lược một đoạn: Cha Tân mắc bệnh nặng, trước lúc qua đời vẫn cất tiếng gọi Nghĩa trong niềm nhung nhớ, khắc khoải.

Tất cả những điều ấy chưa từng bao giờ mẹ viết trong thư gửi ra nước ngoài cho Tân và anh chị của anh. Sau này cũng không bao giờ kể ra lời. […] “Khổ thân các con sinh ra gặp thời loạn lạc …”, lá thư ấy mẹ viết vào ngày cuối tháng Chạp năm 72. Đất trời bùng cháy, thành phố đổ vỡ, nhưng mẹ không rời Hà Nội. Hơi bom phá toang cửa kính, mẹ vẫn đêm đêm yên lặng ngồi chỗ ngày trước cha vẫn thường ngồi, và vẫn như hồi cha còn sống, mẹ pha một ấm trà để lên khay trên bàn giữa hai cái tách hạt mít.

[…] Mẹ biết chắc con còn sống, nhưng giờ đây con ở phương nào vậy con? Sao con lại có thể im lặng lâu như thế hở con? Không một bức thư, không một tin tức nhắn nhe nào cho mẹ, sao thế hở con, Nghĩa ơi? “.

Nghĩa ơi. Tiếng gọi ấy là lời cuối của lá thư cuối cùng mẹ của Tân viết gửi người con trai út. Không còn lá thư nào viết vào những ngày tháng sau đó nữa. Có lẽ vì sau đó là năm 73, hòa bình. Anh chị em Tân lần lượt đỗ đạt trở về.

Có những người con sáng giá như anh chị em Tân, mẹ là một bà mẹ hạnh phúc hơn bao bà mẹ khác. Nào ngờ mẹ không hề biết thế là hạnh phúc. Gương mặt mẹ suốt bao năm trời đến tận khi nhắm mắt xuôi tay luôn lẳng lặng một vẻ chờ đợi âm thầm, rụt rè và vô vọng. May thay, cũng giống như những bức thư mãi mãi ở yên dưới đáy rương bên đầu giường mẹ, nỗi đau lòng của mẹ không bao giờ thốt nên lời, người ta không biết tới. Nông nỗi thương tâm bất động của một người già có cái đáng quý là không làm ai phải để ý, bởi để ý tới thì không khỏi đau thắt trong lòng và không sao mà có thể bình tâm để yên ổn sống một cách dễ chịu cho nổi.

(Gọi con – Bảo Ninh)

Đọc hiểu Gọi con – Đề số 1

Câu 1: Xác định ngôi kể trong đoạn trích.

A.Ngôi thứ nhất.

B. Ngôi thứ hai.

C. Ngôi thứ ba.

D. Ngôi thứ nhất số nhiều.

Câu 2: Đoạn văn: “Lựa lời hỏi xem có điều gì khiến mẹ không hài lòng…. càng buồn bã hơn” là lời của ai?

A. Lời của nhân vật Tân.

B. Lời tác giả.

C. Lời người kể chuyện hòa vào lời nhân vật Tân.

D. Lời anh, chị của Tân.

Câu 3: Bối cảnh câu chuyện diễn ra vào thời gian nào?

A. Cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 -1954)

B. Cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975)

C. Sau khi thống nhất đất nước (1975)

D. Cả B và C

Câu 4: Dòng nào nêu không đúng thành công nghệ thuật của tác phẩm?

A. Miêu tả tâm lí nhân vật.

B. Xây dựng đối thoại sinh động.

C. Sử dụng điểm nhìn linh hoạt.

D. Ngôn ngữ đa âm, phức điệu, hiện đại.

Câu 5: Mẹ Tân hiện lên là người như thế nào?

A. Thấu hiểu lẽ đời, chịu thương chịu khó.

B. Nhẹ nhàng, tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc.

C. Âm thầm, bền bỉ, chăm chỉ, cần cù.

D. Giàu tình yêu thương con, có đức hi sinh cao cả.

Câu 6: Thông điệp của truyện là gì?

A. Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó bao nỗi đau âm thầm vẫn dai dẳng in hằn lên số phận của người mẹ có con hi sinh

B. Mỗi người hãy trân trọng tình cảm gia đình

C. Giá trị của hòa bình

D. Sức mạnh của tình mẫu tử thiêng liêng

Câu 7: Ý nghĩa chi tiết “cái rương” trong truyện là gì?

A. Nơi chứa đựng những bức thư mẹ gửi cho con trai út

B. Nơi chứa đựng những bí mật của lòng mẹ với nỗi đau âm thầm

C. Thúc đẩy cốt truyện phát triển

D. Cả ba đáp án trên

Trả lời câu hỏi

Câu 1: C. Ngôi thứ ba. => Truyện kể từ góc nhìn bên ngoài của người kể chuyện

Câu 2: C. Lời người kể chuyện hòa vào lời nhân vật Tân.

Câu 3: D. Cả B và C => lá thư ấy mẹ viết vào ngày cuối tháng Chạp năm 72/ Có lẽ vì sau đó là năm 73, hòa bình. Anh chị em Tân lần lượt đỗ đạt trở về.

Câu 4: B. Xây dựng đối thoại sinh động.

Câu 5: D. Giàu tình yêu thương con, có đức hi sinh cao cả.

Câu 6: A. Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó bao nỗi đau âm thầm vẫn dai dẳng in hằn lên số phận của người mẹ có con hi sinh

Câu 7: D. Cả ba đáp án trên

Đọc hiểu Gọi con – Đề số 2

Câu 1: Xác định mạch kể của truyện

Câu 2: Ý nghĩa chi tiết “cái rương” trong truyện là gì?

Câu 3: Giọng điệu chủ đạo của truyện là gì? Giọng điệu ấy đã góp phần thể hiện chủ đề của truyện như thế nào?

Câu 4: Truyện ngắn “Gọi con” gợi cho anh/ chị suy nghĩ, cảm xúc gì về những người thân trong gia đình.

Trả lời câu hỏi

Câu 1:

– Mạch kể của câu truyện: Từ thực tại hồi tưởng về những câu truyện trong quá khứ rồi lại quay trở về thực tại

Câu 2:

– Ý nghĩa của chi tiết “cái rương” trong truyện:

+ Biểu tượng cho tình cảm của gia đình, cho những kí ức đáng nhớ của một thời khó khăn đã qua của một gia đình

+ Đây là chi tiết nghệ thuật đắt giá, góp phần thúc đẩy cốt truyện phát triển

Câu 3:

– Giọng điệu chủ đạo của truyện là: Giọng điệu nhẹ nhàng, nâng niu, trân trọng

– Giọng điệu đó đã góp phần tạo sự xúc động sâu xa trong lòng độc giả, cũng như là tạo ra cao trào cho cảm xúc truyện khi nhắc về hình ảnh của người mẹ mòn mỏi đợi con trở về

Câu 4:

– Thông qua truyện ngắn “Gọi con”, em thấy thương cho cha mẹ của mình khi dõi bước theo con trên từng bước trưởng thành của cuộc đời

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *