ĐỀ THI NĂNG KHIẾU MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10 TRƯỜNG CHUYÊN NGUYỄN TRÃI - HẢI DƯƠNG

ĐỀ THI NĂNG KHIẾU LẦN II - KHỐI 10 TRƯỜNG CHUYÊN NGUYỄN TRÃI - HẢI DƯƠNG

NĂM HỌC 2022 - 2023

MÔN: NGỮ VĂN

Câu 1 (4.0 điểm)
Nhà văn Oscar Wilde cho rằng:
Con người có hai nỗi bất hạnh lớn nhất. Một là không thể nào đạt được ước mơ của mình, hai là đạt được ước mơ đó rồi.
(Theo Rando Kim, Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu, NXB Hà Nội, 2018, Tr.108). Trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm trên.

Câu 2 (6.0 điểm)

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
(Truyện cổ nước mình - Lâm Thị Mỹ Dạ, Thơ viết về văn học trong nhà trường, NXB Giáo dục, 2005, Tr.64)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về truyện cổ tích Việt Nam, hãy làm rõ vấn đề.

ĐỀ THI NĂNG KHIẾU MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10 TRƯỜNG CHUYÊN NGUYỄN TRÃI - HẢI DƯƠNG

GỢI Ý

Câu 1 (4,0 điểm)

a. Về kĩ năng

Biết cách viết bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, văn viết mạch lạc, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ hoặc đặt câu.

b. Về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau

Nêu vấn đề cần nghị luận

Giải thích

- Ước mơ: mong muốn tha thiết những điều tốt đẹp trong tương lai.

- Bất hạnh: trạng thái đau khổ, dằn vặt

- Không đạt được ước mơ: thất bại

- Đạt được ước mơ: thành công

==> Oscar Wilde cho rằng đạt ước mơ hay không đạt ước mơ cũng đều mang lại cho con người những cảm xúc đau khổ

Lý giải

- Vì sao con người lại bất hạnh khi không đạt ước mơ?

+ Vì khi ấy con người thất bại và nhận ra sự kém cỏi, nhận ra giới hạn của bản thân.

+ Mất niềm tin vào chính mình

+ Không còn nhiệt huyết để phấn đấu.

+ Phí tổn thời gian, công sức, hi vọng, thậm chí có thể phải trả giá rất đắt.

-Vì sao con người lại bất hạnh khi đạt được ước mơ?

+ Khi đã đạt ước mơ, con người thường tự mãn, hài lòng với bản thân và ngủ quên trên chiến thắng. Từ đó khả năng của bản thân bị bào mòn, thui chột, thậm chí có người đánh mất mình trong hào quang của thành công.

+ Con người không còn khát vọng vươn lên, không còn mục tiêu, mất động lực phấn đấu, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, trống rỗng.

+ Trên hành trình thực hiện ước mơ, con người có thể phải hi sinh, bỏ qua những giá trị tốt đẹp và đích thực của cuộc sống: sức khỏe, gia đình, hạnh phúc…
(Dẫn chứng minh họa)

*Bàn luận, mở rộng vấn đề

- Ước mơ làm cuộc sống con người có ý nghĩa, con người có thêm động lực sống. Nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người.

- Không đạt ước mơ chưa hẳn đã là bất hạnh. Bởi năng lực của con người là có hạn. Cần coi đó là những trải nghiệm quý báu, là động lực để vươn tới trong tương lai.

- Đạt ước mơ sẽ mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc vì được khẳng định giá trị bản thân, có thể cống hiến cho cộng đồng.

- Tuy nhiên, khi đã đạt được ước mơ, con người cần tỉnh táo nhìn nhận đúng những gì thực sự quý giá với cuộc sống của mình, biết cân bằng cảm xúc bản thân.

Đấy mới là thành công, hạnh phúc đích thực.

- Cần tránh những ước mơ hão huyền, viển vông, vượt xa khả năng của bản thân.

*Bài học:

- Nên nuôi dưỡng những ước mơ đẹp và nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực.

- Khi đã thành công, hãy bình tĩnh, sáng suốt, đừng mù quáng, đánh mất mình.
(Dẫn chứng minh họa)

Kết thúc vấn đề nghị luận

Câu 2 (6,0 điểm)

a. Về kĩ năng

Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận.

Bố cục hợp lý chặt chẽ, văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, về diễn đạt.

b. Về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

Giới thiệu vấn đề nghị luận

Giải thích nhận định

- Truyện cổ: truyện dân gian, một thể loại tự sự trong nền văn học dân gian Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu nhất là thể loại cổ tích.

- Nhân hậu : Tấm lòng yêu thương, bao dung, sẻ chia và cảm thông với những người xung quanh, nhất là những số phận bất hạnh, có khả năng hướng thiện với người đọc.

- Tuyệt vời sâu xa: Gửi gắm những quan niệm, triết lí nhân sinh đúng đắn, sâu sắc, có ý nghĩa muôn đời

=>Truyện cổ là nơi gửi gắm tình cảm và trí tuệ của nhân dân lao động. Nó để lại nhiều bài học quý giá, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn và trí tuệ con người.

Bởi vậy nó làm rung động lòng người và mang sức sống cùng vẻ đẹp trường tồn. Ý kiến đã khẳng định giá trị giáo dục và giá trị nhận thức của thể loại truyện dân gian.

Lí giải

-Truyện cổ tích ra đời khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp. Người sáng tác là nhân dân lao động. Họ phải chịu nhiều tầng áp bức, đã trải qua nhiều cay đắng, nhọc nhằn trong cuộc sống. Đồng thời, họ có một tâm hồn nhân hậu, phong phú.

-Truyện cổ tích chủ yếu viết về những con người nhỏ bé, bất hạnh nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp.

-Truyện cổ tích được chọn lọc, trau chuốt qua nhiều thời gian lịch sử, trở thành những viên ngọc quý.

-Chức năng giáo dục và chức năng nhận thức là những chức năng cơ bản của văn học nói chung, cũng là chức năng nổi bật của truyện cổ tích Việt Nam.

Phân tích, chứng minh:

Thí sinh có thể lựa chọn những dẫn chứng khác nhau trong từng tác phẩm (có thể chọn những truyện cổ tích tiêu biểu như Tấm Cám, Chử Đồng Tử, Trầu cau…) Tuy nhiên cần phải bám sát vào yêu cầu của đề bài đặt ra. Dẫn chứng phải chính xác, sát hợp, toàn diện với vấn đề và phải được phân tích thấu đáo.

a. Về nội dung

*Truyện cổ tích dạy con người sống nhân hậu, bao dung.

- Quan tâm đến những con người nhỏ bé, bất hạnh .

+ Cô Tấm: mồ côi, bị dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ đầy đọa, hãm hại nhiều lần.

+ Chử Đồng Tử: mồ côi, nghèo khổ tột cùng.

+ Hai anh em họ Cao: mồ côi cha mẹ.

- Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người:

+ Cô Tấm: chăm chỉ, nết na, hiếu thảo.

+ Chử Đồng Tử: chí hiếu, chịu khó, tự trọng.

+ Hai anh em họ Cao: hiền hậu, hiếu học, yêu thương nhau.

- Khẳng định triết lí ở hiền gặp lành, người tốt sẽ được đền bù xứng đáng.

+ Cô Tấm: lấy được vua, lên làm hoàng hậu.

+ Chử Đồng Tử: lấy được công chúa, sau bay lên trời, trở thành bất tử.

+ Hai anh em họ Cao : khi chết mãi sum vầy bên nhau.

* Truyện cổ tích mang những ý nghĩa sâu xa.

- Trong quan niệm về con người.

+ Hành trình đến với hạnh phúc: rất gian truân, nhọc nhằn.

+ Sự hóa thân: thể hiện sự công bằng, ước mơ về sự đổi đời, về hạnh phúc, về sự xum vầy, về sự bất tử ...

- Trong quan niệm về hạnh phúc:

+ Hạnh phúc do bàn tay mình làm nên, gìn giữ và bảo vệ mới thực sự bền lâu.

+ Hạnh phúc là sống cuộc sống tự do, gần gũi với thiên nhiên, làng cảnh.

- Trong quan niệm về cuộc sống:

+ Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là cuộc đấu tranh dài lâu, quyết liệt.

Quy luật tất yếu của cuộc sống là thiện thắng ác.

+ Gửi gắm khát vọng vươn tới một xã hội công bằng, văn minh, nhân ái.

b. Về nghệ thuật

- Có sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo, lực lượng siêu nhiên trợ giúp người lương thiện.

- Kết thúc có hậu

Bàn bạc, mở rộng:

-Truyện cổ tích nói riêng, văn học dân gian nói chung chính là nguồn cội của nền văn học dân tộc.
-Văn học chân chính luôn bồi đắp, hướng thiện cho tâm hồn con người, giúp họ hoàn thiện nhân cách, sống cuộc đời cao đẹp và có ý nghĩa hơn.

Kết thúc vấn đề nghị luận

admin
3/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question