1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

(Trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Xác định bối cảnh không gian và thời gian trong đoạn trích.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong các câu thơ sau:

Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Câu 4. Tác giả đã dùng yếu tố ngoại cảnh nào để diễn tả tâm trạng người chinh phụ? Ý nghĩa của yếu tố đó?

Câu 5. Đoạn trích gợi cho em suy nghĩ như thế nào về số phận người phụ nữ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa?

  1. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Cuộc sống là một đường chạy tiếp sức, nếu không đoàn kết sẽ không thể thành công. Viết bài văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.

Câu 2. (4,0 điểm)

Nỗi buồn quả phụ

“Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi:

Gương Hằng Nga đã bụi màu trong!

Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,

Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.

 

Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn:

Cánh hải đường đã quyện giọt sương!

Trông chim càng dễ đoạn trường:

Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

 

Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy.

Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu!

Phút giây bãi biển nương dâu,

Cuộc đời là thế, biết hầu nài sao?”

(Trích Ai tư vãn – Lê Ngọc Hân)

Qua đoạn văn bản trên, anh (chị) hãy viết bài văn nghị luận cảm nhận nỗi buồn người quả phụ.

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Đoạn trích được viết theo thể thơ song thất lục bát

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

– Câu trả lời khác hoặc không trả lời : 0 điểm

0,5
2  Bối cảnh không gian và thời gian

– Không gian: hiên vắng, ngoài rèm, trong rèm -> vắng lặng hiu hắt

– Thời gian:

+ Ban ngày (thước chẳng mách tin)

+ Ban đêm (đèn biết chăng…)

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

– Học sinh trả lời được nửa ý: 0.25 điểm

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0,5
3 – Biện pháp nghệ thuật:

+ Điệp ngữ bắc cầu (đèn biết chăng – đèn chẳng biết).

Điệp từ “biết” kết hợp với việc luyến láy âm “iết” 

+ Câu hỏi tu từ (đèn biết chăng – đèn có biết).

– Tác dụng: Các biện pháp nghệ thuật trên càng làm tâm trạng người chinh phụ thêm day dứt, khắc khoải hơn. Làm cho câu thơ vang lên âm điệu da diết, hay cũng chính là âm vang của cõi lòng căng thẳng đợi chờ trong vô vọng.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được biện pháp tu từ vfa không chỉ ra được tác dụng: 0.5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

1,0
4 – Tác giả đã dùng yếu tố ngoại cảnh ngọn đèn trong đêm để diễn tả tâm trạng người chinh phụ.

– Ý nghĩa: Trong biết bao đêm trường cô tịch, người chinh phụ chỉ có người bân duy nhất là ngọn đèn. Tả đèn chính là để tả không gian mênh mông, và sự cô đơn của con người. Người chinh phụ đối diện với bóng mình qua ánh đèn leo lắt trong đêm thẳm. Hoa đèn với bóng người hiện lên thật tội nghiệp.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án (chấp nhận những cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng ý): 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được nửa ý: 0.5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

1,0
5 Gợi ý:

– Qua đoạn trích ta thấy được tình cảnh cô đơn, lẻ loi, nỗi khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi có chồng ra trận.

– Đồng thời tác giả muốn tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa, ngoài ra còn thể hiện sự xót thương, đồng cảm với thân phận người phụ nữ, trân trọng, đề cao niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án (chấp nhận những cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng ý): 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được nửa ý: 0.5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

1,0
II   LÀM VĂN 6,0
  1 Cuộc sống là một đường chạy tiếp sức, nếu không đoàn kết sẽ không thể thành công.

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.

2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tinh thần đoàn kết trong cuộc sống. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

* Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Thân đoạn:

Giải thích vấn đề nghị luận: tinh thần đoàn kết là sự hợp tác, chung vai sát cánh, tương trợ lẫn nhau giữa những người cùng mục đích, chí hướng.

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Khẳng định tinh thần đoàn kết thực sự cần thiết trong cuộc sống.

+ Vì cuộc sống có nhiều thử thách bất ngờ (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh), đặt ra những bài toán nan giải và lâu dài mà một cá nhân khó giải quyết được nếu không có trí tuệ, sức mạnh tập thể, vì thế đòi hỏi con người phải đoàn kết.

+ Ý nghĩa của sự đoàn kết: Giúp mỗi cá nhân không cô đơn, lẻ loi; Tiếp thêm động lực cho mỗi người vượt qua khó khăn; Tạo ra sự gắn kết, thống nhất cao làm nên sức mạnh tinh thần, trí tuệ của tập thể; Lan tỏa tinh thần đoàn kết, họp tác đến mọi người…

(Chứng minh về sức mạnh của tình đoàn kết trong cuộc sống)

+ Mở rộng: Đoàn kết khác với tư tưởng bao che, dung túng cho đồng đội; phê phán sự chia rẽ, bè phái…

* Kết đoạn: Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. 0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25
2 Qua đoạn văn bản, anh (chị) hãy viết bài văn nghị luận cảm nhận nỗi buồn người quả phụ. 4,0
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học 0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: cảm nhận nỗi buồn người quả phụ. 0.5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cuả bài viết:

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được các ý hợp lý theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

– Lê Ngọc Hân hay còn gọi là công chúa Ngọc Hân, là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông. Nàng là một người con gái tài sắc vẹn toàn, từ nhỏ đã tinh thông kinh sử và biết làm thơ. Năm 16 được, Ngọc Hân vâng lời vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Dù cuộc hôn nhân này nhằm mục đích chính trị nhưng tình cảm của hai người dành cho nhau sớm đã mặn nồng. Hạnh phúc không được bao lâu thì đến năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, để lại cho nàng hai đứa con nhỏ. Cũng chính vì thế mà bài thơ “Ai tư vãn” được ra đời.

Nỗi buồn quả phụ là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất được trích từ tác phẩm Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân.

Đoạn trích đã để lại trong lòng người đọc những day dứt khó quên bởi chính nỗi đau xé triền miên của một người quả phụ khóc thương cho người chồng của mình.

2. Thân bài: Phân tích đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

– “Ai tư vãn” có nghĩa là “Bài vãn ca về nỗi buồn đau tưởng nhớ”. Như chính tên gọi của nó, bài thơ là tiếng khóc thành thơ, là nỗi buồn đau khôn xiết của công chúa Ngọc Hân khi biết người chồng yêu quý của mình đã không còn tồn tại trên cõi đời.

– Đoạn trích “Nỗi buồn quả phụ” thuộc phần cuối, thể hiện rất rõ tư tưởng chính của tác phẩm cũng như tài năng văn chương của công chúa Ngọc Hân.

a. Khổ thơ 1, 2:

– Hình ảnh:

+ “Trăng” là một hình ảnh thường hay xuất hiện trong thơ ca trung đại. Trăng đại diện cho những điều đẹp đẽ, cho hẹn ước của đôi lứa, cho cả những khát vọng chưa thể thực hiện. Người quả phụ đứng trước nỗi buồn, ngước nhìn lên trăng với mong ước giải bớt nỗi u sầu nhưng thật khó vì trăng cũng không còn trọn trịa, đầy đặn như một thời quá khứ viên mãn.

+ Đứng trước gương, gương soi chiếu hình ảnh của chính mình, thi sĩ lại càng thấy hổ thẹn với lòng mình hơn.

+ “Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà”: ngỡ là một mối lương duyên trời ban, nhưng khi đứng trước thực tại âm dương cách biệt, nhìn lại hiện thực phũ phàng, chỉ thấy lòng người càng thêm lạnh giá. Thương cho chồng chốn biên cương lạnh lẽo, cũng thương cho số phận hẩm hui của chính mình.

+ “Hoa buồn”, “Cánh hải đường đã quyện giọt sương”: hoa hải đường là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp. Nhưng nay hải đường đã quyện sương, hay chính ý tác giả là hải đường đang khóc như là một điềm gở. Thiên nhiên cũng khóc thương cho chuyện tình của nàng.

+ “Trông chim càng dễ đoạn trường/ Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi”: trông chim bay thì thấy chim tan đà lẻ bóng, uyên ương nay chỉ còn lại chiếc bóng, phượng hoàng cùng chỉ còn là lẻ đôi. Nhìn vào đâu đâu cũng chỉ thấy sự chia lìa xa cách.

– Từ ngữ:

+ Các từ ngữ: “buồn”, “tủi”, “thẹn”, “lạnh lẽo”, “quyện”, “lẻ đôi”… góp phần làm tăng thêm màu sắc u buồn, bi lụy cho câu thơ; nhấn mạnh và xoáy sâu vào trong nỗi buồn của người quả phụ.

– Biện pháp tu từ:

+ Điệp từ, điệp cấu trúc “Buồn trông”, “buồn xem”, “nhìn gương”, “trông chim”… đã góp phần thể hiện tâm trạng: khiến cho nỗi buồn cứ trở đi trở lại trong những vần thơ, mang một cảm thức não nùng thê lương. Cũng như giúp cho bài thơ trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển, tăng thêm giá trị nghệ thuật cho bài thơ.

+ Nhân hóa; hoa buồn, uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi => Làm cho vạn vật trở nên có hồn hơn, từ đó nỗi sầu cũng bao trọn không gian.

b. Khổ 3:

– Hình ảnh:

+ “Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy/ Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu!”: Ngắm nhìn cảnh vật, người quả phụ chỉ thấy một màu đau buồn tang tóc. Trở về thực tại, về với chính cõi lòng của mình, nàng thấy tiếc thương cho những tháng năm hạnh phúc trong quá khứ, cho cuộc tình oái ăm này.

+ Thành ngữ “Bãi bể nương dâu” được tác giả sử dụng để chỉ những biến cố, những thay đổi lớn trong cuộc đời. Ở đây, đó chính là cái chết của vua Quang Trung, một sự mất mát vô cùng to lớn trong cuộc đời của công chúa Ngọc Hân.

– Từ ngữ:ngùi ngùi”, “còn thấy chi đâu”, “bãi biển nương dâu”… có tác dụng trong việc miêu tả một cuộc đời không mấy thuận lợi. Làm tăng thêm nỗi buồn, sự ai thán về cuộc đời của người quả phụ.

– Biện pháp tu từ: Việc sử dụng thành ngữ cùng với câu hỏi tu từ “cuộc đời là thế, biết hầu nài sao?” như chính là một lời trách cứ cho số phận của mình, cũng như thể hiện sự bất lực của nàng trước sự xoay chuyển của cuộc đời.

3. Đánh giá chung

– Nghệ thuật:

+ Bút pháp tả cảnh ngụ tình: Nỗi buồn của nàng đã ngấm sâu vào trong cảnh vật, làm cho mọi thứ nhuốm một màu sắc bi thương, u tối.

+ Giọng điệu u buồn, xót xa.

+ Việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh chọn lọc cùng các biện pháp tu từ độc đáo cũng đã góp phần làm nên thành công của đoạn trích.

– Nội dung: Đoạn trích “Nỗi buồn quả phụ” khắc họa nỗi buồn triên miên của người phụ nữ cũng như thể hiện tình yêu của bà dành cho vua Quang Trung.

4. Liên hệ mở rộng

Có thể liên hệ với một số câu thơ cũng viết về tình cảnh lẻ loi, cô đơn hoặc sự buồn tủi của người phụ nữ trong văn học trung đại. Ví dụ: Sự lẻ loi, cô đơn, luôn ngóng trông người chồng mình trở về của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn

* Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm

1.0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản 0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5
Tổng điểm 10,0

 

By Thầy đồ dạy Văn

Xin chào! Tôi là Thầy Đồ, một người dạy văn với niềm đam mê sâu sắc dành cho ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, tôi đã giúp nhiều thế hệ học sinh yêu thích và đạt thành tích cao trong môn Văn học. Tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi luôn nỗ lực nâng cao trình độ giảng dạy qua các khóa đào tạo và hội thảo chuyên môn. Ngoài việc giảng dạy, tôi còn tham gia nghiên cứu, viết báo và xuất bản sách hướng dẫn học Văn. Tại trang web này, tôi mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cảm hứng văn học đến mọi người. Hãy cùng tôi khám phá vẻ đẹp của ngôn từ qua từng bài học và tác phẩm văn học. Chúc các bạn học tập tốt và luôn giữ niềm đam mê với môn Văn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *