Đặc điểm Văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945

Những mầm mống của chủ nghĩa lãng mạn đã xuất hiện ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX với thơ văn, từ khúc của Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Dương Lâm, Đào Tấn…Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa lãng mạn thể hiện khá đầy đủ những đặc trưng của nó trong thơ Tản Đà và trong văn của Hoàng Ngọc Phách (tiểu thuyết Tố Tâm). Đến giai đoạn 1930-1945, với lớp nhà văn Tây học trẻ tuổi, cái tôi cá nhân mới thực sự được thể hiện sâu sắc . Chủ nghĩa lãng mạn do đó phát triển thành trào lưu rầm rộ với đầy đủ đặc trưng của nó trên các thể loại: thơ, truyện ngắn, bút ký, tùy bút


1. Thơ Mới lãng mạn

* Hoàn cảnh lịch sử xuất hiện phong trào thơ Mới

Thơ Mới là thơ lãng mạn,  là tiếng nói của giai cấp tiểu tư sản. Sự xuất hiện của giai cấp tư sản và tiểu tư sản thành thị với những tư tưởng tình cảm mới, những thị hiếu thẩm mỹ mới cùng với sự giao lưu văn hóa Đông Tây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào thơ Mới ra đời.

Năm 1919 chấm dứt chế độ thi cử Hán học, thơ Đường mất dần vị trí độc tôn. Các tác phẩm cổ điển của Coocnây, Môlie và những tác phẩm văn học lãng mạn Pháp thế kỷ XIX của Lamactin, Bôđơle xuất hiện và được giới thiệu rộng rãi trên văn đàn, trong nhà trường…Chính những đổi mới trong sinh hoạt tư tưởng và sự tiếp xúc với văn học lãng mạn Pháp đã dần dần đem đến cho thanh niên tiểu tư sản thành thị những năm 30 của thế kỷ này những tình cảm mới, những rung động mới. Họ yêu đương mơ mộng, vui buồn khác các nhà thơ xưa. Trong buổi diễn thuyết ở nhà hội Quy Nhơn tháng 6-1934, Lưu Trọng Lư  đã nói : “Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa màu xanh nhạt, Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà đúng ngọ. Nhìn thấy một cô gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh… Cái ái tình của các cụ là sự hôn nhân nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…”. Chính vì sự khác nhau sâu xa đó giữa hai thế hệ mà những câu thơ ngâm hoa vịnh nguyệt sáo mòn và cũ rích trên Nam Phong , Văn học tạp chí, Tiếng dân không còn hợp với tình cảm mới của họ. Phong trào Thơ mới lãng mạn Việt Nam ra đời năm 1932 chính là để đáp ứng nhu cầu tình cảm của một tầng lớp thanh niên mới. Một phong trào văn học ra đời bao giờ cũng phản ánh những đòi hỏi nhất định của xã hội. Nó là tiếng nói của một tầng lớp người, của một giai cấp vừa mới ra đời, đang lớn lên hoặc già cỗi trong xã hội. Văn học lãng mạn 1932 trở đi là tiếng nói của tư sản và tiểu tư sản thành thị. Thơ mới chủ yếu là tiếng nói của giai cấp tư sản và tiểu tư sản thành thị là nguyên nhân chính cho phong trào Thơ mới ra đời.


2. Văn xuôi lãng mạn với nhóm Tự lực văn đoàn

* Hoàn cảnh ra đời

Người sáng lập Tự lực văn đoàn là Nguyễn Tường Tam, bút danh Nhất Linh. “Tự lực” là có ý tự sức mình gây nên một cơ sở chứ không cậy nhờ chính phủ hay một thế lực tài chính nào và cũng không tuân theo một chỉ thị nào, đường lối do chính họ đặt ra. Nhóm gồm có 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí.

Quan điểm xã hội và nhân sinh chủ trương duy tân và cấp tiến, họ muốn phá bỏ xã hội nho phong với những tập tục lễ giáo, đả phá những hủ tục dân quê, đả phá phong thái đạo học, thành kiến chán đời của lớp người đứng tuổi trong xã hội. Họ đưa ra quan niệm sống ôn hòa, họ muốn cải cách dân chúng, nhất là dân quê. Họ đề cao tự do cá nhân, hạnh phúc vật chất và chủ nghĩa yêu đời của lớp người trẻ tuổi. Quan niệm nhân sinh này dần dần ngả theo mục tiêu chính trị, đả đảo chế độ quan liêu phong kiến, tẩy chay chế độ dân bản bù nhìn và đòi tự do dân chủ. Năm 1940, nhóm ngừng hoạt động, chuyển sang hoạt động chính trị.

* Đóng góp của Tự lực văn đoàn

- Về nội dung: chống lễ giáo phong kiến, đấu tranh cho tự do yêu đương và đòi quyền sống cho con người, đòi giải phóng cá nhân,cá thể. Còn ở giai đoạn này họ đề cao cuộc sống cá nhân; các nhà văn đã theo tư tưởng đứng về phía cái mới, cổ vũ cho văn minh phương Tây.

- Về nghệ thuật:  Lối văn giản dị, ít chữ Nho, đi sâu khám phá đời sống nội tâm, tâm lý nhân vật. Các tác giả có ý thức đổi mới về cốt truyện, kết cấu trong thể loại văn xuôi.Trong văn trung đại, kết cấu thường theo thời gian, kết cấu biên niên, theo mô tip gặp gỡ – chia ly – đoàn tụ.Trong tiểu thuyết tự lực văn đoàn, kết cấu đa dạng, linh hoạt, đòi hỏi nhà văn phải xử lý tuyến sự kiện và tuyến nhân vật. Tự sự xen lẫn miêu tả, với đối thoại, độc thoại nội tâm, với những lời bình luận trữ tình ngoại đề, chi phối cách bố trí hình thức kết cấu. Tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn đã xóa bỏ cách kết cấu đơn tuyến thay bằng kết cấu đa tuyến, sử dụng hình thức đối lập để tạo tình huống căng thẳng. Có thể nói: “Với Tự lực văn đoàn, tiếng Việt trong sáng hơn, chấm dứt những câu văn biền ngẫu chồng chất điển cố Hán-Việt. Với Tự lực văn đoàn cũng không còn những câu lai căng cộc lốc như văn của Hoàng Tích Chu mà là những lời ăn tiếng nói của nhân dân được chọn lọc, gọt giũa, trau chuốt đưa vào tác phẩm. Có thể nói, Tự lực văn đoàn đã góp phần hiện đại hóa văn chương Việt Nam”.

Đăng Khôi
21/5/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question