Đặc điểm Văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 - 1945


1. Những tiền đề chính trị xã hội, văn hoá tạo nên cơ sở cho sự xuất hiện văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 - 1945.

Sau khi xâm lược thực dân Pháp ra sức củng cố địa vị thống trị, chúng bắt tay khai thác thuộc địa đẩy dân ta lún sâu hơn cảnh bần cùng. Tiếp đó, chúng ra sức bóc lột dân ta để bù lại những thiệt hại to lớn do cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 gây ra đẩy nền kinh tế Việt Nam vào tới chỗ điêu đứng: sản xuất bị đình đốn, ngân hàng rút bớt giấy bạc đẩy nông dân và công thương đến chỗ phá sản, vỡ nợ  thất nghịêp ngày càng tăng, hạn hán lụt lội liên tiếp xảy ra, thuế khoá nặng nề, đói trầm trọng, nhân dân bị bóc lột đến tận xương tuỷ trong khi đó những ông chủ bà chủ sống xa hoa, mâu thuẫn dân tộc và thực dân Pháp, nông dân và địa chủ ngày càng sâu sắc.

Xã hội Việt Nam có sự biến đổi: đô thị mở rộng, thi trấn mọc lên, quan hệ xstb hình thành, cá nhân trở thành một thực thể, văn học Việt Nam dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của văn hoc Trung Quốc, bắt đầu tiếp xúc với nền văn học phương Tây.

Xã hội Việt Nam lúc ấy chịu ảnh hưởng của rất nhiều luồng tư tưởng. Tư tưởng phong kiến được thực dân Pháp ra sức khuyến khích: suy tôn Khổng giáo, bảo tồn quốc hồn quốc tuý, kêu gọi trở về với nền văn học cũ với mục đích triệt tiêu tinh thần  đấu tranh của nhân dân ta. Tư tưởng tư sản với hai chiều hướng tich cực và tiêu cực: tiêu cực ở chỗ chịu ảnh hưởng của khuynh hướng duy tâm tư sản trong triết học của Frơt, Nisơ; tích cực là chịu ảnh hưởng của khuynh hướng dân chủ tư sản qua một số tác phẩm của các nhà văn hiện thực của Pháp, của thế giới và tiếp thu triết học duy vật biện chứng Rutxô, Điđơrô…Tư tưởng Mác xit và tinh thần nhân văn nhân đạo: hạt nhân là cái nhìn biện chứng khoa học góp phần hình thành thế giới quan tiến bộ thôi thúc các nhà văn tìm hướng giải phóng cho con người mở ra cách nhìn mới, cảm thông, bênh vực, ca ngợi con người.

Chủ nghĩa hiện thực Việt Nam nảy sinh từ hoàn cảnh xã hội, lịch sử văn hóa đó. Nó tiếp thu thành tựu vĩ đại của trào lưu hiện thực phê phán thế giới song nó đi theo con đường riêng.


2. Quá trình phát triển của văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 - 1945

* Chặng thứ nhất 1930 - 1935

Xuất hiện một số cây bút thu hút được sự chú ý của độc giả. Nguyễn Công Hoan với tập truyện “Người ngựa ngựa người” (1934), Kép Tư Bền (1935), Vũ Trọng Phụng với hai phóng sự “Cạm bẫy người” (1933), “Kĩ nghệ lấy Tây” (1934); Tam Lang với phóng sự “Tôi kéo xe” (1935), truyện ngắn “Một đêm trước”; Ngô Tất Tố với “Giao cầu thuyên tán”; Tú Mỡ với tập thơ trào phúng “Dòng nước ngược”. Nguyễn Công Hoan là đại biểu xuất sắc nhất.

Các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực phê phán thời kì này đã toát lên tinh thần phê phán: phê phán tính chất bất công, vô nhân đạo của xã hội; bộc lộ sự cảm thông, thương xót đối với các nạn nhân của xã hội.

Hạn chế: nội dung phản ánh hiện thực của các tác phẩm thời kì này còn hạn hẹp, chưa sâu sắc, chỉ mới phản ánh hiện tưọng nổi lên trên bề mặt của xã hội chưa tập trung vào mâu thuẫn cơ bản của xã hội, tính chất chiến đấu chưa cao, mục đích phê phán chưa thật chính xác, thế giới nhân vật mới tập trung vào dân nghèo, lưu manh thành phố. Nhiều tác phẩm chỉ mới có tính chất ghi chép, tình cảm của các nhà văn đối với người nghèo chưa được sâu sắc, cái nhìn còn có vẻ khinh bạc, một vài phóng sự chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa tự nhiên…

* Chặng thứ hai 1936 - 1939

Phong trào dân tộc dân chủ phát triển mạnh, các tác giả được tự do trên văn đàn, có điều kiện tiếp xúc với sách báo cách mạng công khai; lưỡi kéo kiểm duyệt của thực dân Pháp đỡ gắt gao hơn, không khí của thời đại phát huy cao độ sở trường của nhà văn nên văn học hiện thực phê phán phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết. Lực lượng sáng tác ngày càng  đông, bên cạnh những nhà văn của giai đoạn trước có thêm Mạnh Phú Tứ, Đồ Phồn, Nguyên Hồng, Trần Tiêu…Các tác phẩm phong phú, xuất hiện nhiều tiểu thuyết, tiểu phẩm, truyện ngắn phát huy được sức mạnh như một vũ khí sắc nhọn: Ngô Tất Tố với “Tắt Đèn”, “Lều chõng”; Vũ Trọng Phụng với “Số đỏ”, “Giông tố”, “Vỡ đê”, “Cơm thầy cơm cô”; Nguyên Hồng có “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”, Nguyễn Công Hoan có “Bước đường cùng”, “Cái thủ lợn”…

Các nhà văn hiện thực phê phán thời kì này bắt đâu đi sâu phản ánh bản chất đích thực  và những vấn đề nổi cộm trong lòng xã hội: mâu thuẫn giai cấp, những thủ đoạn của quan lại phong kiến, chính sách thâm độc của thực dân; nói lên thật thống thiết nỗi khổ của nông dân, cổ vũ, biểu dương tinh thần đấu tranh, phản kháng, xây dựng thành công nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nhiều cuốn tiểu thuyết khái quát được những mảng lớn của đời sống xã hội. Ngọn cờ của chặng này là Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng.

Cuối 1939 khi chiến tranh thế giới xảy ra dưới ách của hai đế quốc thực dân Nhật, Pháp, văn học lại bị kiểm soát gắt gao.

* Chặng thứ ba: 1940 - 1945

Trào lưu văn học hiện thực phê phán đi đến chỗ tàn lụi, Ngô Tất Tố không còn viết văn mà quay sang lĩnh vực khảo cứu, Nguyễn Công Hoan bị thực dân Pháp treo giò, rơi vào tư tưởng sai lầm thoái hoá (tiểu thuyết Thanh đạm ca ngợi quan lại), Vũ Trọng Phụng mất năm 1939. Xuất hiện trên văn đàn lúc bấy giờ là Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Nam Cao….

Các nhà văn thời kì này lảng tránh những vấn đề  nóng bỏng. Truyện của Tô Hoài phản ánh phong tục tập quán sinh hoạt của vùng nông thôn ngoại ô, đằng sau đó cho thấy hình ảnh xã hội đang đói khổ, cùng quẫn, cái xã hội của những người nông dân nghèo, thợ dệt vải bị phá sản, cảnh bỏ làng đi làm thuê, những mối tình dang dở (Xóm giếng ngày xưa, Quê người, Giăng thề…), Bùi Hiển đi vào phản ánh cuộc sống làm ăn của người dân chài lưới Quảng Nam: mê tín, nóng nảy cục cằn nhưng có tinh thần nhân hậu (Nằm vạ). Đáng chú ý nhất là Nam Cao. Nam Cao là cây bút có chiều sâu của chủ nghĩa hiện thực. Tác phẩm của ông đã đặt ra những vấn đề lớn lao có tính chất triết lí , khái quát xã hội sâu sắc và đã có những kiệt tác để đời.

Đăng Khôi
21/5/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question