Cảm nhận về đoạn thơ dốc lên khúc khuỷu…Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Dù khó khăn, gian khổ đã qua đi nhưng “Đoàn binh Tây Tiến” của Quang Dũng mãi là những hồi ức đẹp về một thời oanh liệt, về chân dung người lính. Hãy cùng đến với thiên nhiên và hình tượng người lính qua đoạn trích dưới đây!!!

Đề bài:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khỏi

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”

Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét cảm hứng lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng.

Dàn ý cảm nhận về đoạn thơ dốc lên khúc khuỷu…Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

– Nội dung bài thơ

– Yêu cầu phụ

Thân bài:

Luận điểm 1: 4 câu thơ đầu

– . Điệp từ “dốc” kết hợp với nhịp thơ 4/3 và sự đối lập của những từ chỉ hướng lên, thăm thẳm, khiến cho người đọc cảm giác rợn ngợp, gián tiếp làm hiện lên nỗi vất vả, nhọc nhằn

– Sử dụng hàng loạt từ “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”.

– Nghệ thuật nhân hóa “súng ngửi trời”(tô đậm độ cao ngút trời của những đỉnh núi, gợi lên được cái trẻ trung, tinh

==> hình ảnh nhân hóa khiến cây súng như có hồn, có linh hồn giữa khung cảnh thiếu vắng sức sống. Cây súng mang theo khao khát, lý tưởng chính nghĩa

– Phép điệp “ngàn thước” những dãy núi, dốc cao ngút lên, đổ xuống gần như thẳng đứng.

– Sử dụng rất nhiều thanh chắc. Nhờ đó mà diễn tả thành công cái gập ghềnh, hiểm trở của núi non, cũng như nỗi vất vả, nhọc

– “Nhà ai” một căn nhà của người dân

– Hai chữ “nhà ai” nghe thật ấm áp, trìu mến biết bao, đó là nỗi nhớ nhà của những người lính trẻ.

==> Qua bốn câu thơ trên Quang Dũng đã diễn đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa từ ngữ hình ảnh yêu thanh điệu đã mang lại sức gợi tả rất mạnh mẽ. Đoạn thơ là một bức tranh hài hòa giữa cái gân guốc và cái hiện đại, vừa như được nghe một khúc nhạc lúc hùng hồn, lúc êm đềm lắng sâu.

Luận đểm 2: 4 câu tiếp

– Cách gọi bình dị, thân thương “anh bạn”, cùng tính từ “dãi dầu” khắc họa nỗi nhọc nhằn, bao vất vả.

– Hai câu thơ trên gợi lên nhiều cách hiểu: người lính mệt mỏi gục lên súng mũ ngủ thiếp đi hay người lính đã ngã xuống, không thể bước tiếp

– “gục” ngã xuống với một sự tự hào, kiêu hãnh.

– “Bỏ quên đời” chủ động lựa chọn bỏ đi giấc mơ của riêng mình, chủ động hy sinh quên mình

– Hai từ láy toàn phần “chiều chiều”, “đêm đêm” cảm giác rợn ngợp, triền miên, thường trực từ chiều sang đêm, từ ngày này qua ngày khác, đêm nay qua đêm khác.

– Nghệ thuật nhân hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người’’ sự bí ẩn của rừng thiêng, nước độc, âm thanh của núi rừng ghê sợ, đe dọa tâm lý con người, nguy hiểm của những loài thú dữ.

Luận điểm 3: hai câu cuối

– “nhớ ôi” diễn tả nỗi nhớ da diết, mãnh liệt
– “mùa em” lấy cảm hứng từ diện mạo xinh đẹp và sự thân thiện của những người con gái miền sơn nước
– “Thơm nếp xôi” hương thơm lúa mới cũng chính là hương vị của tình đồng bào đồng chí gắn kết, keo sơn.

Nội dung:

Qua 10 câu thơ trên Quang Dũng đã dựng thành công một bức tranh thiên nhiên miền Tây tổ quốc hùng vĩ dữ dội. Nổi bật lên trong nền cảnh ấy là hình tượng người lính Tây Tiến dũng cảm, kiên cường trong cuộc hành quân đầy gian khổ.

Nghệ thuật:

Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Quang Dũng: với bút pháp lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng trong cách sử dụng hình ảnh, ngôn từ, sự kết hợp bằng trắc

Câu hỏi phụ: nhận xét cảm hứng lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng.

Kết bài :

– Khát quát nội dung đoạn thơ
– Tình cảm của nhà thơ

Cảm nhận về đoạn thơ dốc lên khúc khuỷu…Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đã từng nói: “Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, “Tây Tiến” cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó.” Quang Dũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca chống Pháp. Hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Bài thơ “Tây Tiến” được viết cuối 1948 khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Trong dịp về dự đại hội toàn quân ở làng Phù Lưu Chanh thuộc tỉnh Hà Đông cũ, Quang Dũng nhớ đơn vị cũ của mình da diết, nỗi nhớ ấy đã bật lên thành bài thơ. “Tây Tiến” được in trong tập “Mây đầu ô”, bài thơ ca ngợi hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp kiêu hùng, lãng mạn và đậm chất bi tráng. Đặc biệt thể hiện qua nỗi nhớ về cuộc hành quân gian khổ của binh đoàn Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên miền Tây. Từ đó, nhận xét cảm hứng lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Luận điểm 1:

Người xưa thường nói “thi trung hữu họa” để ca ngợi những bài thơ có khả năng tái hiện những bức tranh bằng ngôn ngữ. Bốn câu thơ đầu đoạn trích trên là một minh chứng sống động cho thấy chất hội họa ở trong thơ:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
….……
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Có thể nói qua bốn câu thơ Quang Dũng đã vẽ lên một bức tranh hoành tráng về cảnh rừng núi Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội và hoang vu. Điệp từ “dốc” kết hợp với nhịp thơ 4/3 và sự đối lập của những từ chỉ hướng lên, thăm thẳm, khiến cho người đọc cảm giác rợn ngợp. Đồng thời cũng qua đây nhà thơ đã gián tiếp làm hiện lên nỗi vất vả, nhọc nhằn của đoàn binh Tây Tiến, con đường người lính đi qua không bằng phẳng, dài nhiều gian khó. Cùng với việc sử dụng hàng loạt từ láy một cách đắc địa diễn tả cái hiểm trở, trùng điệp của địa hình: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”. Nghệ thuật nhân hóa được sử dụng trong câu “súng ngửi trời”. Một mặt tô đậm độ cao ngút trời của những đỉnh núi. Mặt khác, hình ảnh nhân hóa này còn gợi lên được cái trẻ trung, tinh nghịch ở những chàng trai Tây Tiến. Cây súng trên vai người lính chạm vào bầu trời xanh, hình ảnh nhân hóa khiến cây súng như có hồn, có linh hồn giữa khung cảnh thiếu vắng sức sống. Cây súng mang theo khao khát, lý tưởng chính nghĩa. Câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” in đậm dấu ấn tài hoa của Quang Dũng. Bằng việc sử dụng phép điệp “ngàn thước”, như hiện ra trước mắt ta hình ảnh những dãy núi, dốc cao ngút lên, đổ xuống gần như thẳng đứng. Nhìn lên thì cao chót vót, nhìn xuống thì sâu thăm thẳm. Trong câu thơ Quang Dũng sử dụng rất nhiều thanh chắc. Nhờ đó mà diễn tả thành công cái gập ghềnh, hiểm trở của núi non, cũng như nỗi vất vả, nhọc nhằn của đoàn quân Tây Tiến trên bước đường hành quân nơi núi cao, rừng thẳm. Quang Dũng bất ngờ thả mua trong thơ mà âm điệu nhẹ nhàng quá đỗi:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Hai chữ “nhà ai” nghe xao xuyến, bồi hồi đến lạ. “Nhà ai” một căn nhà của người dân mà người lính nhìn thấy trên đường hành quân. Trong ánh mắt của những chàng trai đang từ giã gia đình theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, hai chữ “nhà ai” nghe thật ấm áp, trìu mến biết bao, đó là nỗi nhớ nhà của những người lính trẻ. Câu thơ toàn thanh bằng tạo sự em ái, miên man trải dài trong cảm xúc của người lính Tây Tiến. Bởi thế mà câu thơ tả mưa mà không hề lạnh lẽo, ngược lại nó khiến ta như ấm lòng. Qua bốn câu thơ trên Quang Dũng đã diễn đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa từ ngữ hình ảnh yêu thanh điệu đã mang lại sức gợi tả rất mạnh mẽ. Đoạn thơ là một bức tranh hài hòa giữa cái gân guốc và cái hiện đại, vừa như được nghe một khúc nhạc lúc hùng hồn, lúc êm đềm lắng sâu.

Luận điểm 2

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Nếu như bốn câu thơ đầu diễn tả cuộc hành quân gian khổ, vất vả của người lính, thì ở hai câu thơ này hình tượng người lính được khắc họa trực tiếp. Cách gọi bình dị, thân thương “anh bạn”, cùng tính từ “dãi dầu” khắc họa nỗi nhọc nhằn, bao vất vả. Hai câu thơ trên gợi lên nhiều cách hiểu: có thể hiểu người lính mệt mỏi gục lên súng mũ ngủ thiếp đi như muốn quên hết sự đời. Nhưng cũng có thể hiểu rằng người lính đã ngã xuống, không thể bước tiếp cuộc hành quân được nữa. Đó là sự hy sinh trên đường hành quân, trong tư thế hành quân rất hiên ngang. Quang Dũng đã không tránh né hiện thực đau thương ấy. Người lính “gục” ngã xuống với một sự tự hào, kiêu hãnh. “Bỏ quên đời” hóa thân cho dáng hình xứ sở, hiến dâng cuộc đời cho đất nước, chủ động lựa chọn bỏ đi giấc mơ của riêng mình, chủ động hy sinh quên mình. Vì thế, câu thơ nói về cái chết mà không hề bi lụy, nói về cái chết mà vẫn ngạo nghễ, ngang tàng như chính khuôn mặt tinh thần của binh đoàn Tây Tiến.

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Hai từ láy toàn phần “chiều chiều”, “đêm đêm” đứng đầu hai câu thơ gợi lên một cảm giác rợn ngợp. Rằng cái dữ dội gầm thét của thác ghềnh, cái nguy hiểm rình rập của cọp dữ không chỉ xuất hiện trong một thời điểm mà triền miên, thường trực từ chiều sang đêm, từ ngày này qua ngày khác, đêm nay qua đêm khác. Nghệ thuật nhân hóa trong hai hình ảnh “thác gầm thét”, “cọp trêu người” khiến ta có cảm tưởng như rừng thiêng đang muốn phô bày hết cái uy lực khủng khiếp ngàn đời. Hình ảnh nhân hóa gợi sự bí ẩn của rừng thiêng, nước độc. Âm thanh tiếng thác gầm, âm thanh của núi rừng ghê sợ, đe dọa tâm lý con người. Hay cọp trêu người gợi lên vẻ đáng sợ, nguy hiểm của những loài thú dữ. Mặt khác làm nổi bật lên tinh thần dũng cảm bất chấp hiểm nguy của những chàng trai ra đi từ mảnh đất Hà Thành.

Luận điểm 3:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Đoạn thơ kết thúc bằng một kỉ niệm ấm áp, tươi vui dường như trong niềm hoài niệm của nhà thơ kỷ niệm ấy bừng lên như một tia nắng ấm sau những ngày đông lạnh lẽo. Cụm từ “nhớ ôi” diễn tả nỗi nhớ da diết, mãnh liệt, nỗi nhớ ngập tràn trong tâm trí. Đó là nỗi nhớ bản làng, nhớ người dân che chở cho người lính, nhớ cuộc sống gần gũi, bình dị thời khắc sum vầy. Những người lính dí dỏm gọi “mùa em” lấy cảm hứng từ diện mạo xinh đẹp và sự thân thiện của những người con gái miền sơn nước. Chính sự ngọt ngào của họ đã nhóm lên ngọn lửa lãng mạn. “Thơm nếp xôi” hương thơm lúa mới cũng chính là hương vị của tình đồng bào đồng chí gắn kết, keo sơn.

Qua 10 câu thơ trên Quang Dũng đã dựng thành công một bức tranh thiên nhiên miền Tây tổ quốc hùng vĩ dữ dội. Nổi bật lên trong nền cảnh ấy là hình tượng người lính Tây Tiến dũng cảm, kiên cường trong cuộc hành quân đầy gian khổ. Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Quang Dũng: với bút pháp lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng trong cách sử dụng hình ảnh, ngôn từ, sự kết hợp bằng trắc. Có thể nói đoạn thơ đã góp phần đưa “Tây Tiến” trở thành một trong những kiệt tác của văn học kháng chiến chống Pháp

Qua đoạn thơ trên Quang Dũng đã cho độc giả thấy rõ cảm hứng lãng mạn trong phong cách sáng tác của ông. Có thể hiểu cảm ứng lãng mạn trong văn học là việc thể hiện khách quan bằng cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ, thể hiện những khát vọng mạnh mẽ hướng về những vẻ đẹp khác lạ trong thế giới. Cảm hứng lãng mạn thường khai thác về những đề tài thiên nhiên, tình yêu, hồi tưởng, kỷ niệm,… Qua 10 Câu thơ trên cảm hứng lãng mạn của bài thơ Tây Tiến được thể hiện qua vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống con người. Tác giả nhớ rừng núi hoang vu, hiểm trở, dữ dội, nhớ những bước hành quân của đoàn binh Tây Tiến, nhớ cả những hy sinh gian khổ. Tất cả cứ theo dòng hồi ức mà hiện lên cùng với trí tưởng tượng phóng khoáng, bay bổng. Đoạn thơ được viết ra như một dòng ký ức, nỗi niềm liên tục. Đan vào những câu thơ tả cảnh dữ dội là những câu thơ mênh mang, chơi vơi. Hai câu cuối đoạn là một sự đầm ấm bất ngờ đến ngây ngất bởi tiếng gọi tha thiết vang lên từ đáy lòng “nhớ ôi Tây Tiến”, Hình ảnh gợi sự đầm ấm đến nao lòng “cơm lên khói, thơm nếp xôi”. Cảm hứng lãng mạn giúp tác giả khắc họa vẻ đẹp hào hùng, sự hy sinh bi tráng của người lính Tây Tiến. Cùng vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc tạo nên một tác phẩm độc đáo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Qua đoạn thơ trong bài thơ “Tây Tiến”, Quang Dũng đã ghi lại những vẻ đẹp rất riêng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, nổi bật là những người lính Tây Tiến hiện lên với sự hiên ngang, kiên cường. Đồng thời thể hiện sự gắn bó của nhà thơ với thiên nhiên và con người nơi đây. Là biểu tượng của tấm lòng yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng đội, đồng chí của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *