Qua bài thơ “Ba mét cách mặt đường”, tác giả Nguyễn Hoàng Sơn đã gửi gắm tâm tư tình cảm của mình đối với thiên nhiên, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên. Để hiểu rõ hơn về bài thơ, hãy cùng đến với bài Cảm nhận về bài thơ Ba mét cách mặt đường sau đây nhé!
Dàn ý cảm nhận về bài thơ Ba mét cách mặt đường
* Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
* Thân bài:
Luận điểm 1: Khung cảnh thiên nhiên mùa thu hiện lên thật thơ mộng và trữ tình.
– Vòm cây ngang cửa sổ, thế giới riêng của gió, vũ trụ của loài chim, cả một mùa thu vàng,…
– Thiên nhiên vẫn luôn ở đấy, vẫn luôn sinh sôi nảy nở và chờ đợi con người ngắm nhìn vẻ đẹp của chúng như một sự công nhận : đợi mắt người trông lên, vẫn đợi người trông lên…
Luận điểm 2: Cuộc sống hối hả của con người khiến họ quên đi việc ngắm nhìn thế giới xung quanh họ đang sống và bỏ lỡ vẻ đẹp của mùa thu.
– Nhịp sống vội vã của con người: mải nhìn đèn xanh đỏ, người đương chen với người, văng tục và cau có…
– Những bộn bề lo toan về cuộc sống khiến họ dửng dưng với vẻ đẹp của thiên nhiên : chẳng nghe lời của gió, đâu biết gì cánh chim, mà em chẳng đoái hoài, mà em thường bỏ lỡ…
Đánh giá: Giá trị nội dung và nghệ thuật.
* Kết bài:
– Khái quát lại nội dung và nghệ thuật.
– Liên hệ bản thân và đưa ra bài học nhận thức.
Cảm nhận về bài thơ Ba mét cách mặt đường
Ta say đắm thiên nhiên trong những lời thơ, câu hát, trong những khoảnh khắc êm ả thường ngày, trong những rung cảm nghẹn ngào về trời thu dịu dàng và lãng mạn. Đắm say vẻ đẹp tươi mới của mùa thu, Nguyễn Hoàng Sơn đã gửi gắm tâm tư tình cảm của mình đối với thiên nhiên, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và tiếc nuối cho con người khi thường bỏ quên vẻ đẹp tự nhiên ấy qua bài thơ “Ba mét cách mặt đường”. Gửi gắm chút sắc thu vào cuộc sống bộn bề của con người, tác giả đã thể hiện tình yêu da diết và tiếc nuối của mình qua bài thơ.
Nguyễn Hoàng Sơn sinh ngày 5/2/1949 tại Sóc Sơn, Hà Nội, công tác tại báo Tiền phong, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được biết đến với nhiều thể loại: thơ, truyện, kịch thơ, phê bình – tiểu luận. Ông được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam các năm 1990, 1993, tặng thưởng Hội Nhà văn 2001, bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam, giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông sở hữu các tác phẩm như: Mèo con để râu (1984) , Lời chào đi trước (1987), Bài hát trăng tròn (1996),…Trong đó, có bài thơ “Ba mét cách mặt đường”, tác phẩm là bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Bài thơ là lời ca ngợi về vẻ thơ mộng, hữu tình của cảnh thiên nhiên mùa thu và cũng là lời bày tỏ sự tiếc nuối cho con người trong nhịp sống hối hả, dửng dưng khiến họ bỏ lỡ vẻ đẹp của mùa thu, bỏ lỡ những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống.
Với góc nhìn của một người nghệ sĩ khung cảnh thiên nhiên mùa thu hiện lên thật thơ mộng và trữ tình. Mùa thu, một mùa của sự dịu dàng và lãng mạn. Sau cái oi bức của mùa hè mùa thu đến như một dòng nước tươi mát trong lành và dễ chịu :
Ba mét cách mặt đường
Vòm cây ngang cửa sổ
Thế giới riêng của gió
Vũ trụ của loài chim
Và mùa thu đến ở
Đợi mắt người trông lên…
Jane Austen đã từng nói : “Ngồi dưới bóng râm trong một ngày đẹp trời và ngắm nhìn cây cỏ xanh tươi là sự nghỉ ngơi hoàn hảo nhất’. Quả thực, thiên nhiên là một nơi an ủi tâm hồn con người, một màu xanh của vòm cây, hay một làn gió mát lành, thêm nữa là tiếng chim hót líu lo bên cạnh, tất cả những thứ ấy tạo thành một khung cảnh yên bình đến lạ thường. Trong khi thế giới xô bồ ngoài kia luôn vùi dập ta thì thiên nhiên lại luôn sinh sôi nảy nở, luôn vươn mình khoe sắc đợi chúng ta ngắm nhìn. Nhắc đến mùa thu là nhắc đến những con đường rợp bóng. Trên những cành cây, những chiếc lá bắt đầu thay áo, từ xanh non chuyển sang màu vàng óng. Dạo bước trên con đường mùa thu là một khung cảnh cực kỳ lãng mạn khiến cho ai cũng phải say mê kể cả tác giả. Hòa quyện cùng khung cảnh lãng mạn ấy là những âm thanh đặc trưng. Tiếng gió nhẹ nhàng bay lượn trong thế giới riêng của nó, luồn lách mọi ngóc ngách, xào xạc qua những chiếc lá, hay là tiếng chim tung cánh khắp bầu trời rồi nhẹ đáp trên những cành cây hót líu lo như một dàn đông ca. Tất cả đã tạo nên một bản nhạc du dương, êm ái, chúng ngân lên từng khúc nhạc một cách nhẹ nhàng và bình yên mang lại cảm giác thư thái đến lạ kỳ. Thiên nhiên vẫn luôn ở đấy, vẫn luôn đẹp đẽ như thế và chờ đợi con người ngắm nhìn vẻ đẹp của chúng như một sự công nhận.
Cuộc sống hối hả của con người khiến họ quên đi việc ngắm nhìn thế giới xung quanh họ đang sống và bỏ lỡ vẻ đẹp của mùa thu. Cuộc sống vốn có đủ thứ phải lo toan và con người bị cuốn vào nó quá sâu. Họ chỉ chăm chăm đến chỗ làm thật nhanh, họ chỉ mong về nhà thật sớm mà không biết thế giới xung quanh đã thay đổi như thế nào:
Người đương ngồi trên xe
Mải nhìn đèn xanh đỏ
Người đương chen với người
Văng tục và cau có
Chẳng nghe lời của gió
Đâu biết gì cánh chim
Những áp lực trong cuộc sống đã khiến con người chẳng còn có thể mơ mộng hay ngắm nhìn thiên nhiên nữa. Họ không nhìn ngắm bầu trời xanh biếc nữa mà họ nhìn đèn đỏ ngoài đường đã chuyển sang màu xanh hay chưa, họ không nhường nhịn nhau nữa mà ai nấy đều vội vã bước đi trong đó còn cáu kỉnh và bực bội. Phải chăng nhịp sống nhanh đang là một hiện tượng phổ biến đến mức thiên nhiên phải “lên tiếng”: Con người họ không ngắm nhìn tôi, con người họ không lắng nghe tôi, con người họ không để ý đến việc tôi đã thay đổi lúc nào và như thế nào. Họ không nhận ra rằng những khoảnh khắc hối hả dửng dưng và vô tình ấy là họ đang bỏ lỡ những vẻ đẹp của mùa thu – “ mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đóa hoa” (Albert Camus). Và hơn hết, họ còn bỏ lỡ những điều tuyệt diệu, bình dị trong cuộc sống hằng ngày. Vẻ đẹp của cuộc sống có trong những điều rất giản đơn và gần gũi. Thật tiếc khi họ bỏ lỡ những điều tuyệt vời ấy. Thiên nhiên vốn vẫn luôn rất đẹp, thơ mộng và hữu tình như thế ngay cả nơi phố phường đông đúc hay mảnh đất cằn cỗi chỉ là con người “chẳng đoái hoài” mà quay lưng với vẻ đẹp ấy.
Bằng cách sử dụng thể thơ 5 chữ giàu tính nhạc kết hợp với cấu tứ chặt chẽ, Nguyễn Hoàng Sơn đã khắc họa nên một bức tranh thiên nhiên và con người hoàn toàn đối lập nhau nhưng không hề gượng gạo hay khô khan. Ngôn từ thì hết sức giản dị mà giàu sức gợi hình gợi cảm, kết hợp với biện pháp tu từ và biện pháp nghệ thuật khiến cho “Ba bước cách mặt đường” hòa quyện từng câu thơ, từng khung cảnh lại với nhau. Đó thực sự là một kết hợp hoàn hảo. Bài thơ đã thể hiện niềm đắm say của tác giả đối với thiên nhiên đặc biệt là cảnh sắc mùa thu. Đồng thời tác giả cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối với cách ứng xử của con người trước thiên nhiên.
Có những lời văn đã trôi nhòe theo dòng chảy của thời gian và có những tên tuổi đã đi vào dĩ vãng nhưng cặp đôi “Ba bước cách mặt đường” và Nguyễn Hoàng Sơn được xem như là một ngoại lệ của thời gian và dòng chảy văn chương. Không chỉ là một tác phẩm văn học mà đó còn là một bài học nhận thức, một lời nhắc nhở con người hãy sống và cảm nhận. Đời người sống được bao nhiêu lần và bao nhiêu lâu mà không hưởng thụ, không nhìn ngắm cuộc sống xung quanh. Hạnh phúc chẳng đâu xa vời mà chúng ta phải đi thật xa để tìm kiếm, hạnh phúc ở ngay bên cạnh chúng ta, hạnh phúc đến từ những điều bình dị nhất. Vì thế, đừng để tâm hồn mình cằn cỗi hãy luôn tưới nước cho nó, tưới lên sự bình yên vốn có trong cuộc sống hằng ngày.