Cảm nghĩ về bài thơ Lá đỏ

Bài thơ “lá đỏ”- Nguyễn Đình Thi đã tái hiện lại những năm tháng hào hùng chiến đấu của quân dân Việt Nam. Dưới đây là dàn ý và bài văn cảm nghĩ về Lá đỏ chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.


Dàn ý Cảm nghĩ về bài thơ Lá đỏ

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Trích thơ

2. Thân bài

* Hai câu thơ đầu: không gian rừng lá đỏ, nơi họ gặp nhau

- Tình cảm của tác giả, tình yêu cho những người con gái

- “Màu lá đỏ” còn làm màu thiêng liêng của lá cờ Tổ Quốc, màu của dòng máu chảy trong mỗi người con đất Việt.

Cảm nghĩ về bài thơ Lá đỏ

* Bốn câu thơ tiếp: khung cảnh khốc liệt trên đường hành quân Trường Sơn

- Cô gái trẻ trung, xinh đẹp hiện lên thật cao cả, sẵn sàng lao ra chiến trường vác vũ khí trên đôi vai gầy với màu áo bạc

- Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật khốc liệt, cả bầu trời chìm trong máu lửa

* Hai câu cuối: lời chào, hứa hẹn và những dự cảm về tương lai

- Lời hứa hẹn sẽ gặp lại nhau khi đất nước được thống nhất độc lập

- Niềm tin và độc lập tự do, là sự lạc quan tin tưởng vào sự toàn thắng của đất nước

* Nghệ thuât

- Thể thơ tự do với giọng thơ chân thực mộc mạc

- Hình ảnh thơ hết sức gần gũi, quen thuộc với đời sống của nhân dân ta

3. Kết bài

- Giá trị nội dung, tình cảm của tác giả


Cảm nghĩ về bài thơ Lá đỏ

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, ông có những đóng góp đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Thơ ông tự do, phóng khoáng đồng thời cũng rất hàm súc, giàu chất suy tư cùng cảm hứng yêu nước. Bài thơ “lá đỏ” là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Thi viết về đề tài kháng chiến. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1974 là thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tuyền tuyến. Đây là một bài ca hào hùng về những người lính cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Đình Thi đã mang đến những hình ảnh chân thực về cuộc hành quân của quân và dân ta, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng, vẻ đẹp của con người trong kháng chiến:

“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”

Nguyễn Đình Thi mở đầu bài thơ với hình ảnh “gặp em trên cao lộng gió”, gặp được em từ trên những vùng núi cao. “Trên cao” ở đây không chỉ nói về vị trí địa lý mà còn nói về tâm tư tình cảm của tác giả, tình yêu cho những người con gái, những người hậu phương được đặt lên trên cao hơn mọi tình cảm khác. Đó là tình cảm đẹp đẽ, trong trẻo đứng từ trên cao nguyên lộng gió ta có thể cảm nhận được một khoảng trời vô tận.

“Rừng lạ ào ào lá đỏ”

Những chiếc lá đỏ trên lên trời xanh trạm lấy trái tim của độc giả. Từ “lạ” trong câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ, lần đầu tiên trong đời nhà thơ được thấy sắc đỏ rực lửa của mùa thu Tây Nguyên. Hay cái “lạ” ở đây là giữa nơi chiến trường với bom đạn dữ dội xuất hiện hình ảnh những cô em gái trẻ trung, kiên cường ngày đêm đối mặt dẫn đường cho bộ đội. Từ “ào” được sử dụng một cách độc đáo gợi lên cảm giác như một trận cuồng phong của mưa lá đỏ, mãnh liệt dữ dội như sức sống của Trường Sơn, như ý chí cùng sự ngang tàng của những con người trong kháng chiến. “Màu lá đỏ” còn làm màu thiêng liêng của lá cờ Tổ Quốc, màu của dòng máu chảy trong mỗi người con đất Việt.

“Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường”

Cảm nghĩ về bài thơ Lá đỏ

Cô gái trẻ trung, xinh đẹp ngày đêm đứng dẫn đường cho bộ đội hành quân. Khác xa với vẻ đẹp của những người con gái bình thường, họ hiện lên thật cao cả, sẵn sàng lao ra chiến trường vác vũ khí trên đôi vai gầy với màu áo bạc. Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận sâu sắc để viết lên những lời thơ rất thực. Hình ảnh so sánh những cô gái “như quê hương” xung phong ra đường ra chiến trận gian khổ được so sánh với quê hương, mang lại cho ta những cảm giác thân thương bình dị, như một lời an ủi tiếp sức cho bộ đội hoàn thành sứ mệnh của mình.

“Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”

Đó là những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cuộc hành quân của bộ đội luôn đầy gian nan vất vả. Từ láy “vội vã” cho thấy những bước chân hối hả, khẩn trương nối dài như rung chuyển cả núi rừng. “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” bầu trời hiện lên với sương khói mờ ảo, đó là không khí mờ mịt không những do sương mờ mà trên hết là do cát bụi của bom đạn, do tiếng súng tiếng pháo bay nghi ngút. Khung cảnh hiện lên thật khốc liệt qua đó ta càng cảm nhận được vẻ đẹp dũng mãnh của những người lính cụ Hồ. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng núi rừng này hiện lên thật khốc liệt, cả bầu trời chìm trong máu lửa. Nguyễn Đình Thi khắc họa không gian ấy càng làm sáng bừng lên vẻ đẹp, khí chất của con người Việt Nam.

“Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”

Hai câu thơ kết đoạn là lời chào tạm biệt và hứa hẹn sẽ gặp lại khi đất nước ta thống nhất. Hình ảnh em một lần nữa xuất hiện, người “em gái tiền phương” đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến. Lời chào ấy dù giản dị nhưng ẩn chứa sâu bên trong là những ý nghĩa sâu sắc. Đó là một lời hứa hẹn sẽ gặp lại nhau khi đất nước được thống nhất độc lập. Lời hứa nhất định sẽ giành lại được độc lập cho đất nước, chiến dịch cuối cùng mang tên Bác ấy sẽ được toàn thắng. Chúng ta sẽ gặp lại nhau giữa Sài Gòn hoa lệ. Lời chào của sự nhiệt huyết tuổi trẻ, là niềm tin và độc lập tự do, là sự lạc quan tin tưởng vào sự toàn thắng của đất nước.

Nguyễn Đình Thi đã sử dụng thể thơ tự do với giọng thơ chân thực mộc mạc. Hình ảnh thơ hết sức gần gũi, quen thuộc với đời sống của nhân dân ta. Bài thơ “lá đỏ” đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả mang đến những cảm nhận chân thực về cuộc kháng chiến, về con người Việt Nam.

Bài thơ “lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi là một bức tranh tuyệt đẹp, là bản trường ca hào hùng về thiên nhiên và con người trong cuộc kháng chiến. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của núi rừng Trường Sơn hòa quyện với vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, với sự can trường dũng cảm của những người lính cụ Hồ. Qua bài thơ tác giả thể hiện niềm tự hào, tình yêu quê hương yêu đất nước. Bài “lá đỏ” với hình ảnh màu đỏ tượng trưng cho lá cờ Tổ Quốc, là những dự báo về sự thắng lợi của cuộc kháng chiến.

admin
3/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question