Bàn về thơ, nhà nghiên cứu văn học, nhà thơ Mã Giang Lân cho rằng: “Thơ là một thông báo thẩm mĩ kết hợp bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc”

Đề bài: Bàn về thơ, nhà nghiên cứu văn học – nhà thơ Mã Giang Lân cho rằng: “Thơ là một thông báo thẩm mĩ kết hợp bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc”. Qua thực tế tiếp nhận các tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn cấp THPT, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.


Dàn ý nghị luận về ý kiến “Thơ là một thông báo thẩm mĩ kết hợp bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc”

1. Mở bài 

- Giới thiệu vấn đề 

- Dẫn lại câu nhận định

2. Thân bài 

a. Giải thích

- Thơ là một loại hình nghệ thuật do con người sáng tạo ra.

- “Thơ là một thông báo thẩm mĩ” vì nó thể hiện được nhưng cái đẹp trong mối rung cảm giữa con người và cuộc sống.

- Bằng những hiểu biết và sự trải nghiệm của nhà thơ, mà người nghệ sĩ gửi gắm những “ý, tình” của bản thân để rồi biến nó thành “hình, nhạc”.

b. Bàn luận 

- Thơ luôn gắn liền với hiện thực đời sống của con người. Bất kì loại hình nghệ thuật nào cũng lấy cuộc sống con người làm tâm điểm.

- Thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực đời sống một cách nhàm chán, tẻ nhạt mà nó phản ánh những gì đẹp nhất của đời sống qua từng con chữ.

- Thông qua từng con chữ, người nghệ sĩ gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình nhưng được thể hiện bằng một cách riêng bằng những ngôn từ gợi hình và mang tính nhạc. 

c. Chứng minh 

- Được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” Việt Nam, những giai điệu âm vang, trầm bổng của từng con chữ được thể hiện qua tác phẩm “Vội vàng”. 

- Hàn mặc Tử đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn giữa hoạ và nhạc đưa vào trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

d. Bình luận

- Tính thẩm mỹ là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết trong thi ca.

- Với chất liệu là ngôn từ, thơ ca không chỉ thể hiện thực hiện tính thẩm mỹ mà nó còn thể hiện những tâm tư, tình cảm của người cầm bút. 

3. Kết bài 

- Khẳng định lại giá trị của nhận định 


Nghị luận về ý kiến “Thơ là một thông báo thẩm mĩ kết hợp bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc”

Ta say đắm trước những nụ hồng còn e ấp trong những giọt sương sớm, đắm say trước tiếng hót thảnh thót của chim hoạ mi hay ngất ngây trong từng câu chữ của thơ ca? Thi ca là một trong những “kiệt tác” của nhân loại do con người sáng tạo ra. Không chỉ mang vẻ đẹp của hình thức mà nó còn mang đến những giá trị nhất định cho con người. Và khi bàn về thơ, nhà nghiên cứu văn học – nhà thơ Mã Giang Lân cho rằng: “Thơ là một thông báo thẩm mĩ kết hợp bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc”. 

Thơ là một loại hình nghệ thuật do con người sáng tạo ra. “Thơ là một thông báo thẩm mĩ” vì nó thể hiện được nhưng cái đẹp trong mối rung cảm giữa con người và cuộc sống. Bởi lẽ “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi” (Puskin). Từ hiện thực đời sống, người nghệ sĩ dùng những chất liệu ngôn từ sẵn có của bản thân từ đó tạo nên những vần thơ làm lay động lòng người. Bằng những hiểu biết và sự trải nghiệm của nhà thơ, mà người nghệ sĩ gửi gắm những “ý, tình” của bản thân để rồi biến nó thành “hình, nhạc”. Và hơn hết, nhiệm vụ của nhà thơ chính là: “Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình – nghĩa là trở thành nhà thơ” (Raxun Gamzatop). Thơ trước hết là phải đẹp. 

Bàn về thơ, nhà nghiên cứu văn học, nhà thơ Mã Giang Lân cho rằng: “Thơ là một thông báo thẩm mĩ kết hợp bốn yếu tố: ý, tình, hình, nhạc”

Thơ luôn gắn liền với hiện thực đời sống của con người. Bất kì loại hình nghệ thuật nào cũng lấy cuộc sống con người làm tâm điểm. Trải qua quá trình trải nghiệm và cảm nhận của bản thân, người nghệ sĩ sẽ “chắt lọc” những gì “tinh tuý” nhất của cuộc đời đưa vào trong thơ ca. Vì thế thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực đời sống một cách nhàm chán, tẻ nhạt mà nó phản ánh những gì đẹp nhất của đời sống qua từng con chữ. Khác với văn chương, thơ có những qui luật riêng của mình, Nó mang một vẻ độc đáo nhất định, có lẽ vì thế mà khi làm làm thơ, người nghệ sĩ phải “cân một phần miligram quặng chữ” (Maiacopxki). Thông qua từng con chữ, người nghệ sĩ gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình nhưng được thể hiện bằng một cách riêng độc đáo. Người cầm bút sẽ biến những tâm tư ấy thành những ngôn từ gợi hình hoặc mang tính nhạc. Quá trình ấy phụ thuộc nhiều vào sự trải nghiệm và quá trình tích luỹ của bản thân nhà thơ. Bởi thơ ca là sự sáng tạo độc đáo của mỗi người và không trùng lặp với bất cứ ai, bởi lẽ Lê Đạt đã từng viết:

“Mỗi công dân có một dạng vân tay
Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn”.

Tính thẩm mỹ và sự sáng tạo trong thơ ca luôn là những yếu tố hàng đầu được đề cao và chú trọng. Nếu thơ ca không có tính thẩm mỹ, có lẽ nó sẽ “chết” giữa hàng ngàn loại hình nghệ thuật khác. 

Đến với từng trang thơ, từng con chữ của nhà thơ Xuân Diệu, ta như chìm đắm trong những con chữ ấy. Được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” Việt Nam, những giai điệu âm vang, trầm bổng của từng con chữ được thể hiện qua tác phẩm “Vội vàng”: 

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”

Với phép liệt kê nhà thơ đã tái hiện lại một bức tranh mùa xuân đầy màu sắc, rực rỡ. biện pháp ẩn dụ kết hợp so sánh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” gợi nên một hình ảnh vô cùng mới lạ và đầy quyến rũ. Thông qua bức tranh về mùa xuân đầy màu sắc ấy, Xuân Diệu cũng thể hiện một tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, với thiên nhiên. Qua góc nhìn của “ông hoàng thơ tình” mọi thứ đều vô cùng tươi đẹp. Ông luôn muốn níu giữ những cái đẹp đẽ nhất của cuộc sống, của đời, níu giữ tuổi xuân đẹp đẽ nhất của mình. Ông đã thành công truyền tải những tâm tư của bản thân vào trong những câu chữ, biến nó thành một giai điệu ngân vang trong lòng người đọc.

Sóng hồng đã từng nhận xét: “Thơ là thơ, nhưng thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” và Hàn mặc Tử đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn đặc điểm ấy vào trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Mượn hình ảnh của thiên nhiên, diễn tả sự chia lìa “gió theo lối gió, mây đường mây’. Đồng thời sử dụng biện pháp nhân hoá “Dòng nước buồn thiu” thể hiện nỗi niềm của tác giả. Với những câu từ gợi cảnh, gợi hình, Hàn Mặc Tử gửi gắm trong đó là những tâm tư, tình cảm của bản thân vào trong bài thơ. Nỗi niềm của tác giả khi không còn nhiều thời gian, ông cảm thấy mặc cảm vì chính căn bệnh của mình. Không thể giải bày với bất cứ ai, ông đã mượn những vần thơ để giải toả những cảm xúc của mình. Tuy nhiên, ông không diễn tả sự buồn bã ấy một cách trần trụi mà khéo léo thể hiện nó qua từng con chữ, qua những biện pháp nghệ thuật trong bài thơ. Thông qua đó ta cũng cảm nhận được “tình, ý’ mà tác giả muốn thể hiện.

Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng cần lấy cái đẹp làm trung tâm và thơ ca cũng không ngoại lệ. Tính thẩm mỹ là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết trong thi ca. Với chất liệu là ngôn từ, thơ ca không chỉ thể hiện thực hiện tính thẩm mỹ mà nó còn thể hiện những tâm tư, tình cảm của người cầm bút. Nếu thi ca chỉ đẹp mà không có giá trị thì liệu rằng tác phẩm ấy có thể tồn tại hay không? 

Ý kiến trên của nhà thơ Mã Giang Lân là vô cùng đúng đắn. thơ ca không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ vốn có mà còn phải mang những giá trị tốt đẹp. Sự giao hoà giữa tình - nhạc - hoạ trong thơ ca chính là điêm độc đáo tạo nên sự riêng biệt cho loại hình nghê thuật này. Và khi biết kết hợp tất thảy chúng lại với nhau, thì thơ mới phát huy tối đa công năng của mình, bày tỏ được tiếng lòng của nhà thơ và chạm đến trái tim của độc giả.

Phương Thảo
23/4/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question