Bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang

“Giang” là câu chuyện kể về cuộc hội ngộ tình cờ, ngắn ngủi nhưng hết mức duyên dáng, ấm áp giữa người lính trẻ và cô gái Hà Nội mang tên Nhật Giang. Câu chuyện gây ấn tượng ngay từ nhan đề và cả nội dung, tư tưởng. Cùng Hocmai360 viết bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang để hiểu rõ hơn nhé!


Dàn ý đánh giá chủ đề, nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm và nhân vật chính "tôi" và Giang.

2. Thân bài

- Giới thiệu hoàn cảnh gặp gỡ của 2 nhân vật chính.

- Phân tích những hành động Giang dành cho "tôi"=> Nhấn mạnh thái độ hiếu khách, tình quân dân bền chặt.

- Phân tích cuộc gặp gỡ giữa nhân vật "tôi" và "bố Giang"=> Vừa thân tình, ấm áp nhưng mẫu mực, trách nhiệm của một vị trung tá quân đội.

- Tác phẩm lên án những tội ác, mất mát mà chiến tranh mang lại=> Mối tình vừa chớm nở giữa đã vụt tắt.

3. Kết bài

Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật, bức tranh nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm

viết bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang


Đánh giá chủ đề, nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng nói: "Mỗi tấc đất ở non sông này, từ biên cương đến hải đảo đều thấm đẫm máu xương bao thế hệ chiến sĩ. Sông núi linh thiêng luôn thúc giục họ phải cầm súng để không tủi thẹn với cha ông”. Lại có biết bao áng thơ nói về những cái chết làm nên sự bất tử cho Tổ quốc: "Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông". Để rồi bước ra khỏi cuộc chiến, những ký ức bi tráng năm nào trở thành nỗi khắc khoải trong tâm mỗi người. Cũng từng là người lính trẻ của năm tháng ấy, một "binh nhì" của "tiểu đoàn 5 tân bình", ẩn sâu trong lòng nhà văn Bảo Ninh là kỷ niệm đẹp nhưng đầy tiếc nuối về “bóng hồng” mang tên "Phạm Nhật Giang 10B" và rồi từ nỗi khắc khoải ấy đã được ông chắp bút nên tác phẩm "Giang".

“Giang” là câu chuyện kể về cuộc hội ngộ tình cờ, ngắn ngủi nhưng hết mức duyên dáng, ấm áp giữa người lính trẻ thuộc "C7 K5 đoàn 91, xóm Đượm" mang tên "Hùng" - cái tên "phía vội ra" mà cho đến mãi mãi về sau cũng chẳng có cơ hội để “cải chính” và cô gái Hà Nội mang tên Nhật Giang.

Ngay đầu tác phẩm, tác giả đã đem đến cho người đọc cái nhìn khái quát về hai nhân vật chính. Đó là người lính binh nhì chỉ mới tròn 17 tuổi tràn đầy năng lượng, có sự vui tính, dí dỏm sau những giờ phút "súng bên súng, đầu sát bên đầu". Bởi thành tích "đạt điểm cao nhất đại đội", nhân vật "tôi" được thưởng hai ngày phép, nhờ đó xảy ra cuộc gặp “trời mưa nhưng rất mỏng, như sương, và chưa tối hẳn” với cô gái mang tên Phạm Nhật Giang.

Ban đầu cứ ngỡ "không để ý đến" nhưng cô gái lại tự tin, chủ động gọi nhân vật "tôi" lại gần, "múc lên một gầu, hai gầu, xối từ từ rửa kỹ hai bàn tay". Thái độ thoăn thoắt, mềm mại, tự cúi mình xuống, một tay nghiêng gầu nước dội nhè nhẹ, một tay cọ bùn đất ở bàn chân, ngón chân, bắp chân người lính khiến trái tim nhân vật “tôi” sững lặng nhưng không kém phần cảm động, vui sướng.

Bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang

Sự khéo léo, tinh tế của tác giả không chỉ cho người đọc cảm nhận được cái rung động chớm nở mà còn thể hiện rõ nét bức tranh về tình quân - dân bền chặt, gắn kết. Điều này càng nhấn mạnh hơn ở thái độ hiếu khách khi Giang chẳng ngại mời người lính xa lạ về nhà mình.

Dù chỉ là “một túp nhà nhỏ, mái gianh vách đất. Không có đồ đạc gì” nhưng cô sẵn sàng chia sẻ nước, dọn cơm cho anh. Cái sự "Thương nhau, chia sẻ sắn lùi/Bát cơm sẻ nữa, chăn sui đắp cùng" ấy chắc chỉ có dân và quân ta mới dung dị, thân tình đến thế bởi tất cả đều chung một lý tưởng đẹp.

Thái độ của bố Giang với nhân vật "tôi" trong câu chuyện cũng khiến người đọc cảm giác vừa thân tình, ấm áp nhưng cũng đầy sự mẫu mực, trách nhiệm của một vị trung tá quân đội. Dù nghiêm nghị nhắc nhở "đồng chí định để đúng điểm danh mới có mặt à? Phải về đơn vị sớm hơn chứ", thế nhưng ông vẫn động viên người lính "ăn cơm, ngồi chơi với Giang".

Vị trung tá còn cho phép Giang lấy chiếc xe đạp của mình để đưa chàng lính trẻ về đơn vị cho kịp giờ. Hay đến lần gặp gỡ thứ hai trên chiến trường, thái độ của ông càng niềm nở hẳn. Ông “thân thiết xiết chặt tay”, “không nén được, cảm động ôm lấy”, còn hồ hởi kể về đứa con gái đang đợi ở nhà, hẹn "bữa sau" sẽ đưa cho "tôi" tấm ảnh Giang gửi.

Cuộc gặp gỡ giữa nhân vật “tôi” và bố Giang diễn ra chóng vánh nhưng đằng sau cuộc gặp gỡ ấy lại là câu chuyện đầy ắp tình người, niềm tin tưởng tuyệt đối và tình thương yêu sâu sắc giữa đồng bào trong những ngày kháng chiến trường kì gian khổ nhưng huy hoàng.

Tác phẩm cũng lên án những tội ác, mất mát mà chiến tranh mang lại. Đó là sự chia xa của gia đình Giang khi "mẹ mất năm ngoái, anh trai thì mới vừa đi Bê tháng trước". Bố cô phải mượn một túp nhà đơn sơ từ một người quen ở thị trấn để đón con gái lên ăn Tết cùng. 

Khi Giang đề nghị Tết "trốn" vào đơn vị chơi với “tôi” nhưng “không hiểu sao lại thở dài” còn cho thấy, đăng sau nét ân tình hồn nhiên, bất ngờ của cô gái trẻ là nỗi buồn, sự cô đơn bủa vây. Chính điều đó khiến Giang khao khát có một người bạn cùng trang lứa để tâm sự, sẻ chia. 

Thế nhưng chiến tranh mà! Nó nhẫn tâm cướp đi bố của cô - người "chiều em lắm". Vị tham mưu trưởng ấy đã nằm lại nơi sa trường trong một trận chiến "vào cuối mùa khô". Điều này càng khiến Giang thêm cô độc, biến "tôi" và Giang trở lại làm hai con người xa lạ. Mối quan hệ của họ vừa mới chớm nở nhưng giờ đây đã thành "một cuộc gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật". Tất cả những gì còn đọng lại trong ký ức nhân vật “tôi” chỉ là những khoảnh khắc "nhìn mãi theo Giang", "không kịp ngỏ một lời nào", "chỉ biết Khâm Thiên, ngõ Chợ". 

Qua truyện ngắn "Giang", người đọc dễ dàng hình dung được ngòi bút nghệ thuật tài hoa của Bảo Ninh. Ở đây, tác giả sử dụng lối kể chuyện trần thuật, tự xưng "tôi" - một chiến sĩ vô danh để kể lại câu chuyện xưa cũ. Câu chuyện ấy như một trải nghiệm, một kí ức không thể nào quên đối với một người lính khiến người đọc càng thêm tin tưởng, đồng cảm sâu sắc. 

Các nhân vật trong truyện được xây dựng hết sức mộc mạc, gần gũi. Mỗi lời nói, hành động của họ thể hiện tính cách riêng thông qua cách xây dựng ngôn ngữ giản dị nhưng sâu sắc, giàu chất triết lý. Xuyên suốt tác phẩm là giọng văn bình đạm, trầm ổn nhưng vẫn khiến người đọc thấm thía nỗi đau, sự thật phũ phàng về hoàn cảnh khốc liệt của đất nước thời kỳ đen tối. 

"Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng nhanh nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm".  Xúc cảm, nước mắt từ chiến tranh được nhà văn đúc kết một cách chắt chiu nhất để viết nên những áng văn nhè nhẹ nhưng dạt dào cảm xúc. Văn học của Bảo Ninh chính là sinh ra từ những lần đổ máu trên chiến trường như thế.

Bằng ngòi bút tài hoa, lỗi lạc, nhà văn Bảo Ninh đã đem đến tác phẩm “Giang” đầy tính nội dung và nghệ thuật. "Giang" đã tái hiện bức tranh chân thực về cuộc sống con người thời chiến với tình quân dân keo sơn, thắm thiết. Đó còn là nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh gây ra nhưng ẩn sâu vẫn là thông điệp tích cực mà tác giả gửi gắm. Đó là niềm tin, niềm hy vọng về ngày mai tươi sáng, là tình yêu nước cháy bỏng, sẵn sàng “người ra đi đầu không ngoảnh lại” vì hòa bình Tổ quốc.

Phương Thảo
11/4/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question