Viết một đoạn văn trình bày cảm xúc của em về bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác của tác giả Nguyễn Trung Thu.

Tìm hiểu về tác giả Nguyễn trung Thu và bài thơ Đêm Trường sơn nhớ Bác

Tác giả Nguyễn Trung Thu

Tiểu sử:

– Tác giả Nguyễn Trung Thu sinh ngày 26/9/1938 (gia đình từng khai sinh ngày 15/8/1940 do thất lạc giấy tờ). Ngày mất: 6/6/2009

– Quê quán: Làng Kim Liên, Hà Nội

– Gia đình: Con thứ 4 trong gia đình năm anh chị em (em gái út mất khi còn nhỏ)

Cuộc đời:

– Cha mất khi ông 6 tuổi, mẹ mất năm 1948 khi gia đình tản cư vào Thanh Hoá

– Sau năm 1954, gia đình trở lại Hà Nội, ông tiếp tục học và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1964

– Giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại ĐH Tổng hợp Hà Nội sau khi tốt nghiệp

– Tháng 9/1971, nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, sáng tác bài thơ nổi tiếng “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”

– Năm 1973, rút khỏi chiến trường, công tác tại Tạp chí Quân đội nhân dân

– Năm 1984, chuyển ngành, làm việc tại Ban Văn hoá, văn nghệ Trung ương Đảng, sau đó tại Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương

– Năm 2001, nghỉ hưu

– Năm 2007, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam

Sự nghiệp:

– Nhà giáo, nhà thơ nổi tiếng với bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”

– Cống hiến trong lĩnh vực văn học và văn nghệ, công tác tại nhiều cơ quan quan trọng như Tạp chí Quân đội nhân dân, Ban Văn hoá, văn nghệ Trung ương Đảng

– Mất vì bệnh ung thư phổi tại Hà Nội

Bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác

Bài đọc:

ĐÊM TRƯỜNG SƠN NHỚ BÁC

Đêm Trường Sơn
Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây.
Cảnh khuya như vẽ…
Bâng khuâng chúng cháu nghĩ
Bác như đã đến nơi này.
Đêm Trường Sơn
Chúng cháu nghe tiếng suối
Trong như tiếng hát xa…
Chúng cháu ngỡ như từ Pác Bó
Suối về đây ngân nga.
Bỗng chúng cháu bồn chồn thương nhớ Bác
Rừng khuya đã dậy tiếng gà
Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước
Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước
Con đường Bác mới đi qua..

(Nguyễn Trung Thu, Trường Sơn, 1972)

Hoàn cảnh sáng tác: Tác giả viết bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác lúc đang là anh binh nhì tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Đêm 6 tháng 6 năm 1972, đã rất khuya, cảm thấy khó ngủ trong lán hầm ngột ngạt, tác giả ôm võng ra mắc nằm bên suối. Đêm ấy, trăng vằng vặc sáng rực cả đại ngàn. Thốt nghĩ cảnh Trường Sơn lúc này y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào hồi kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã miêu tả trong bài thơ Cảnh khuya… thế là ông liền rút cây bút, dưới ánh trăng viết lên lòng bàn tay mấy câu thơ đầu tiên. Chỉ trong sáng hôm sau, bài thơ được hoàn thành không mấy chật vật và sau đó ít lâu, bài thơ được in trên Báo Nhân dân.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc năm 1974 thành bài hát cùng tên, được xem là một trong 10 bài hát hay nhất về Trường Sơn.

Ý nghĩa: Tác giả đã khắc hoạ chân thực hình ảnh và tâm tư người chiến sĩ Trường Sơn hành quân ra chiến trường. Không hề có chút sợ hãi, những tâm hồn tuổi đôi mươi tràn trề nhựa sống vẫn cực kỳ lạc quan, lãng mạn.

 

Cảm xúc về bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác của tác giả Nguyễn Trung Thu

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu viết bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác trong một đêm rất khuya năm 1972 trên đường Trường Sơn. Bài thơ hay và xúc động tâm hồn người đọc trước hết nhờ ở tình cảm chân thành của người viết, ấn tượng nhất trong bài thơ là hình ảnh Bác vẫn hiện về sống động.

Bài thơ mở đầu thật khơi gợi qua không gian Trường Sơn vằng vặc ánh trăng vàng. Từ ánh trăng sáng giữa núi rừng hiện tại đã khiến nhà thơ hoài niệm nhớ thương về Bác. Trong niềm bâng khuâng của người lính, Nguyễn Trung Thu thầm nghĩ “Bác đã đến nơi này” là một liên tưởng thú vị, góp phần tạo nên cấu tứ cho toàn bộ bài thơ.

Không có Bác mà vẫn như thấy Bác, Người cách xa vẫn lồng lộng bóng Người. Cảnh vật từ thơ Bác dội vào tâm tưởng trong đêm hành quân để rồi òa vỡ thành những dòng cảm xúc trào dâng tha thiết. Những câu thơ thật tự nhiên, không tô vẽ nhưng đậm sắc thái trang nghiêm và giàu vẻ đẹp suy tư. Chất thơ tự do ở khổ thơ đầu tràn xuống khổ hai thành nỗi nhớ vọng về từ núi rừng Việt Bắc.

Không chỉ có vầng trăng mênh mang tỏa sáng, “tiếng suối trong như tiếng hát xa” từ bài thơ Cảnh khuya của Bác cũng hiện về và chảy ngân nga qua mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình tác giả. Cảm xúc ấy thật trong trẻo, vẫy gọi tự nhiên và hết sức thiêng liêng qua nỗi nhớ về Người.

Đến ba dòng thơ cuối bài, nhịp thơ được trải dài cùng với số tiếng tăng lên nhiều hơn như thể cả đoàn quân đang nối dài vô tận; khắc họa hình ảnh những người lính trẻ vượt dốc, trèo đèo băng băng tiến về phía trước. Năm thanh trắc đi liền nhau trong câu thơ “súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước” đã góp phần thể hiện tinh thần và ý chí của Đến người chiến sĩ trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn hiên ngang tiến bước, bởi đã có Bác dẫn đường, đang hành quân cùng chúng cháu. “Con đường Bác mới đi qua” hóa thành ánh sáng của niềm tin mãnh liệt, là hồi còi xung trận và lý tưởng vẫy gọi cho trùng trùng những đoàn quân giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ vững vàng trong bom đạn hiểm nguy, tất cả cùng dồn chân bước.

Xuyên suốt bài thơ là cảm xúc và hình tượng thơ đẹp lãng mạn và bay bổng. Các từ xưng hô “chúng cháu” được lặp lại nhiều lần vừa thân tình, ấm áp vừa kính cẩn, thiêng liêng. Nhờ đó, tấm lòng nhớ Bác, thương yêu và kính trọng Bác mới da diết làm sao. Hình tượng tiếng gà gáy thức giữa rừng khuya như giục giã gọi bình minh hay đó là bản hòa âm của đất trời, tạo vật để nâng tử thơ lên một tầm triết lý sâu sắc về lẽ sống, về khát vọng hòa bình và chiến thắng tất yếu trong công cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại của dân tộc.

Bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác nhìn một cách tổng thể thật giản dị về ngôn ngữ, hình ảnh thơ chân thật, mộc mạc, trong sáng và đẹp đẽ. Điều đặc biệt chính tử thơ “con đường Bác mới đi qua” đã tạo thành lời giục giã thiết tha và mãnh liệt, trở thành biểu tượng sống động cho khát vọng hòa bình và chiến thắng kẻ thù bằng mọi giá của cả dân tộc Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chính hình tượng thơ bình dị ấy lại là điểm nhấn độc đáo, hóa thành bản hùng ca vẫy gọi lòng người sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Nhớ Bác và đi theo tiếng gọi của Người cũng chính là tiếng gọi nước non ngàn năm bất diệt.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *