Viết đoạn văn khoảng 10 đến 12 câu trình bày cảm nhận của em sau khi đọc bài thơ Đàn bầu của tác giả Lữ Giang.

Tìm hiểu về tác giả Lữ Giang và bài thơ Đàn bầu

Tác giả Lữ Giang

Tiểu sử:

– Lữ Giang (tên thật: Trần Xuân Kỳ) sinh năm 1928 tại Thanh Hóa.

– Mất năm 2005.

Cuộc đời:

– Trong kháng chiến chống Pháp, Lữ Giang tham gia nhiều cơ quan ở địa phương.

– Sau khi hòa bình lập lại, ông làm biên tập lâu năm cho báo Chính nghĩa.

– Lữ Giang làm báo, viết thơ và tiểu thuyết.

– Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Lữ Giang gồm:

– Thơ:

Tiếng đàn bầu (1956)
Qua Cẩm Giàng, nhớ Thạch Lam
Lại về sông Thị
Một bàn chân

– Văn xuôi:

Hạnh phúc trên thế gian (tiểu thuyết, 1978)
Ánh sáng và mây mù (tiểu thuyết, 1979)
Con Đức mẹ (tiểu thuyết, 1990)
Dốc sương mù (tiểu thuyết, 2003)

Bài thơ Đàn bầu

Bài đọc

ĐÀN BẦU

Lắng tai nghe đàn bầu
Ngân dài trong đêm thâu
Tiếng đàn như suối ngọt
Cứ đưa hồn lên cao.

Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm như giọng cha

Đàn ngày xưa não ruột
Có người hát xẩm mù
Ôm đàn đi trong mưa…
Mưa hoà cùng nước mắt

Đưa hồn ta lên cao
Đàn bầu làm suối ngọt
Tình yêu quê dâng trào
Thay cho dòng nước mắt.

Bài thơ Đàn bầu của Lữ Giang được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc thành bài hát Tiếng đàn bầu.

Hoàn cảnh nảy sinh cảm hứng sáng tác: Bài thơ Đàn bầu được tác giả Lữ Giang viết khi nghe thấy tiếng đàn trong đêm thâu.

 

Nội dung: Bài thơ trên đã khắc họa sâu sắc tình cảm của tác giả với gia đình, với niềm vui chiến thắng của quê hương đất nước. Tiếng đàn bầu gợi nhớ về cha, về mẹ với sự tha thiết ngọt ngào , là lời ca cất lên trong chiến thắng vẻ vang hào hùng của dân tộc -niềm tự hào, tự tôn. Ở đó ta còn thấy bóng dáng quê hương đất nước hiện lên với chiều sâu văn hóa. Âm thanh đàn bầu đã tượng hình cảnh quan thiên nhiên đất trời sông núi; đàn bầu trong thơ đã phản ánh sự thăng trầm vận nước để từ đó lạc quan, tự tin vươn lên và giành thắng lợi. Qua đó ta thấy được tình yêu quê hương đất nước đồng thời là sự trân trọng của nhà thơ với những giá trị văn hóa sâu sắc mang đậm đà bản sắc dân tộc – linh hồn dân tộc Việt.

Giá trị tư ưởng và nghệ thuật: “Tiếng đàn bầu” là tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Về tư tưởng, thông qua tiếng đàn bầu- vẻ đẹp văn hóa của người Việt thi phẩm đã thể hiện được tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước của nhà thơ.

Cảm nhận sau khi đọc bài thơ Đàn bầu của tác giả Lữ Giang

Đàn bầu là bài thơ để đời của nhà thơ Lữ Giang. Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ, đã khái quát được bóng dáng quê hương đất nước với chiều sâu văn hóa cũng như thể hiện được tình yêu quê hương đất nước của tác giả. Mỗi khổ thơ trong bài thơ đều thấm đẫm tiếng lòng của nhà thơ. Ở khổ thơ thứ nhất với biện pháp so sánh và điệp từ, hình ảnh thơ trở nên gợi hình, gợi cảm hơn và âm thanh của tiếng đàn bầu trong đêm cũng trở nên da diết, thiết tha hơn. Ở khổ thơ thứ hai, với những câu thơ xuất thần như: Tiếng đàn bầu của ta/Lời đằm thắm thiết tha/Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm như giọng cha, người đọc không chỉ cảm nhận được sự độc đáo về âm thanh của tiếng đàn mà còn cảm nhận sâu sắc hơn tình cha, nghĩa mẹ qua các cung bậc của tiếng đàn. Ở khổ thơ thứ ba, giọng thơ trầm lại, tiếng đàn bầu lúc này như ai oán, như than thở cho một kiếp người cô độc giữa cuộc đời. Hình ảnh: Có người hát xẩm mù/ Ôm đàn đi trong mưa/Mưa hòa cùng nước mắt gợi lên cho người đọc sự xót thương, đồng cảm sâu sắc. Mỗi khúc ngân của tiếng đàn bầu là cả một quá trình trăn trở, suy tư, của tác giả. Ở khổ thứ cuối, việc lặp lại ý thơ hồn ta lên cao và suối ngọt đã khắc sâu hơn niềm vui và niềm tin của tác giả vào một ngày mai tươi sáng. Với hình ảnh thơ tự nhiên, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm, tác giả đã thể hiện một cách đặc sắc những cảm xúc tinh tế khi nghe tiếng đàn bầu. Qua đó bộc lộ một tình yêu sâu sắc quê hương đất nước, yêu nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *