Phân tích nhân vật Thành trong truyện ngắn Sợi tóc của Thạch Lam

Truyện ngắn “Sợi tóc” kể về nhân vật chính tên Thành, trong một lần đi chơi với người anh họ đã nổi lên lòng tham và cuộc đấu tranh tâm lý gay gắt để giữ lại lương tri của mình. Hãy cùng đến với bài Phân tích nhân vật Thành trong truyện ngắn “Sợi tóc” của Thạch Lam để hiểu rõ hơn về nhân vật này nhé!

Phân tích nhân vật Thành trong truyện ngắn Sợi tóc của Thạch Lam

Vũ Ngọc Phan từng nói rằng: “Ông (Thạch Lam) có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và đẹp. Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy.” Những lời ấy quả thật không sai khi nhắc đến nhà văn Thạch Lam, tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại. Thạch Lam có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài viết truyện ngắn. Ông thường viết những truyện không có cốt truyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Mặc dù sự nghiệp văn chương của Thạch Lam không dài, nhưng ông đã để lại cho văn chương Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị như: “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn”, “Hai đứa trẻ”,… Và truyện ngắn “Sợi tóc” có thể được xem là một trong những tác phẩm mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Truyện ngắn này nằm trong tập truyện nổi tiếng cùng tên, kể về nhân vật chính tên Thành, trong một lần đi chơi với người anh họ đã nổi lên lòng tham và cuộc đấu tranh tâm lý gay gắt để giữ lại lương tri của mình.

Với giọng văn điềm đạm và tinh tế đặc trưng, Thạch Lam đã nhẹ nhàng mở ra trước mắt người đọc và đưa chúng ta bước vào thế giới bên trong “Sợi tóc”. Ấy là một thế giới đời thường, cảnh vật giản dị và những con người bình thường như bao người. Khác với lối văn ở “Gió Đầu Mùa” và “Nắng Trong Vườn” trước đó, tác giả không đứng ngoài câu chuyện, mà lần này, ông đã nhập nhân vật chính Thành, chậm rãi kể cho chúng ta nghe về câu chuyện của chính mình. Câu chuyện được bắt đầu khi người anh họ của Thành là Bân rủ anh xuống phố để chọn giúp cho anh ấy một chiếc đồng hồ. Về người anh họ này, Thành cho rằng anh ấy “rất giàu và rất ngốc (có lẽ mình cho anh ta là ngốc, bởi vì hắn không xử sự như mình, không có những quan điểm về cuộc đời như mình; nhưng thật ra biết đâu cách ăn ở của anh ta lại khôn ngoan hơn, bởi vì anh ta đã giàu và sung sướng?)”. Trái ngược với cách mà Thành nghĩ về anh, Bân lại xem Thành “là một người sành sỏi, thạo đời và thạo nhất là các ngón ăn chơi”. Như vậy, chỉ từ vài câu trần thuật đơn giản, chúng ta đã có được những phác thảo về bức chân dung của một anh Thành. Rõ ràng, anh Thành không phải là một người quân tử tốt bụng đáng để người khác học hỏi, bởi vì thứ mà anh thạo nhất chính là các ngón ăn chơi. Có lẽ Thành thật sự có tài ở cái khoản ấy, cho nên anh mới tự tin kể rằng “động có việc gì, hoặc là muốn mua bán cái gì”, Bân “đều không quên đến hỏi tôi trước”.

 

Lần này, vì muốn mua một cái đồng hồ, bân đã đến rủ Thành cùng đi. Anh Thành hẳn là có con mắt tinh tường trong việc chọn ra cái đồng hồ “hạng thật tốt” cho Bân. Anh “chọn cho hắn ta cái đồng hồ đeo tay hiệu Movado, xuống nước hay vùi cát cũng không hề hấn gì”. Nhưng anh Bân lại lưỡng lự không mua rồi kéo Thành đi ra bởi “cái tính hà tiện của anh ta thắng lại cái thích”. Kể từ lúc ấy, Thành đã mặc nhiên cho rằng “anh chàng này thật là ngốc, có tiền mà không biết chơi đồng hồ tốt. Lại kiệt nữa”. Và rồi, sau khi vào một cửa hiệu và “mặc cả ráo riết từng hào”, Bân hài lòng mua được “một cái đồng hồ hiệu không mấy ai biết tiếng”. Lúc trả tiền mới chính là lúc mà mọi chuyện thật sự bắt đầu. Đó là khi mà anh Bân “giở ra một cái ví da lớn, phồng chặt.” Thông qua lối miêu tả tài tình của tác giả ở đoạn văn này, ta có thể dễ dàng nhận thấy nhân vật Thành đã dồn tất cả tầm mắt và sự chú ý của mình vào cái ví tiền của Bân. Thành thậm chí để ý đến điệu bộ “thong thả và cẩn thận” của Bân khi đếm từng tờ giấy bạc, để ý đến “năm, sáu cái giấy bạc một trăm nữa, những giấy bạc mới, màu còn tươi nguyên”. Và rồi, anh thầm nghĩ “Quái, thằng cha này làm gì mà lắm tiền thế? Mình thì chả bao giờ có đến được một trăm bạc bỏ túi”. Câu so sánh ấy gợi nên trong chúng ta nhiều suy nghĩ, và cũng nhờ câu nói ấy, chúng ta hiểu hơn về điều kiện tài chính và hoàn cảnh của Thành, một trong những lý do khiến cho anh nổi lên lòng tham. Ngay khoảnh khắc ấy, thứ trỗi dậy trong lòng của Thành bây giờ có lẽ chỉ là một chút mầm mống của lòng tham, nhưng nhiều hơn cả là cảm giác chua chát khi thua kém người khác, một người mà “rất giàu và rất ngốc”. Anh không muốn tin nhưng buộc phải chấp nhận rằng một tay sành sỏi như mình còn nghèo hơn cả người rất ngốc như vậy: “Tôi thì trong óc cứ vơ vẩn ý nghĩ sao một thằng ngốc như hắn – tôi thấy hắn càng ngốc – lại có lắm tiền thế, còn mình…”. Dù không nói hết câu, nhưng người đọc vẫn hiểu được trọn vẹn ý mà Thành muốn truyền đạt là gì. Chỉ với vài nét chữ đơn giản, Thạch Lam đã vẽ nên một con người rất “người”, có cái hay, cái đáng được khen nhưng đồng thời cũng có cái dở, điểm đáng chê trách như thể để chứng minh cho cái chân lý “nhân vô thập toàn”, trên đời không có gì là hoàn hảo, mọi thứ đều chỉ mang tính tương đối.

Lại nói đến anh Thành, sau việc ấy, tâm trạng của anh như tụt dốc hẳn. Nếu ban nãy, anh thờ ơ “ừ hữ bảo cho xong chuyện, vì hắn có mua được thứ tốt hay không, bấy giờ tôi thực không thấy quan hệ mấy”, thì bây giờ, anh “ăn mất ngon” vì những ý nghĩ của chính mình. Song, dù tâm trạng không mấy vui vẻ, Thành vẫn sĩ diện, “tỏ mặt sành, gọi những thức ăn quý và đắt tiền”. Đây cũng là một đặc điểm cần chú ý trong tính cách của Thành. Thế nhưng, chuyến đi của Bân và Thành vẫn chưa kết thúc khi Bân đưa Thành xuống Vạn Thái, “vào nhà một người nhân tình của hắn”. Trái ngược với tâm trạng “tha thiết và sung sướng đến đáng ghét” của Bân, Thành lại cảm thấy không hứng thú. Lý do đã được để lộ ra trước mắt đọc giả thật rõ ràng qua suy nghĩ của anh: “đi chơi với một anh có nhiều tiền mà mình lại khinh là ngốc, không có thú vị mấy”. Cái ý nghĩ khó chịu ấy vẫn lảng vảng trong đầu Thành. Do thế, Thành “định bụng ở chơi qua quýt đến nửa đêm thì về’’.

Trong khi Thành “chả bao giờ có đến được một trăm bạc bỏ túi” thì cái ví lắm tiền của người anh họ quả là một sự cám dỗ hết sức to lớn. Và miếng mồi to béo ấy lại càng như được dâng lên đến tận miệng của Thành khi anh nhận ra “lúc mang áo vào giường nằm, Bân đã mang nhầm áo. Hai chúng tôi cùng mặc thứ áo hàng len giống màu, như vậy dễ lẫn lắm”. Thế là cái áo tây có chiếc ví chứa đầy tiền bạc lúc này đang treo trên mắc cứ như là một sự cám dỗ khó cưỡng lại. Truyện ngắn này không có cốt truyện, cũng như những tác phẩm trước, tuy nhiên, nhà văn Thạch Lam bằng tài năng nghệ thuật của mình vẫn có thể tạo nên một tình huống vừa may mắn vừa khó khăn cho nhân vật, gợi nên sự tò mò, hứng thú của người đọc.

Vì sao lại đây là may mắn của nhân vật? Bởi lẽ lòng tham được ấp ủ bấy lâu của Thành đã được đánh thức và gần như cảm thấy thỏa mãn trước tình huống có lợi cho hành động xấu xa của mình. Hơn nữa, trước những điều kiện thuận lợi như thế này, không ai để ý đến, cái vật chứa đầy giấy bạc thì lại nằm ngay trong tầm tay. Nếu Thành cứ “lấy mấy tờ, độ hai tờ” rồi “điềm nhiên với lấy áo, rồi khoác áo ở trên vai” và thực sự bước chân ra khỏi cửa thì có ai biết được chuyện gì vừa xảy ra? Không ai cả. Thành chỉ cần “chọn lúc mọi người vô ý – mà dẫu có ý cũng không ai biết được” để đổi lấy áo của anh đang vắt ở đầu giường Bân. Thành cho rằng: “Thế là xong, gọn. Mai dậy Bân biết mất chắc chẳng bao giờ dám nghi cho tôi. Mà nghi ngờ thế nào được?” Lúc này, Thành có vẻ rất tự tin với kế hoạch mà bản thân vừa vạch ra. Kế hoạch ấy không thể không thừa nhận là rất chi tiết và tỉ mỉ. Anh thậm chí còn nghĩ đến tình huống sáng hôm sau Bân bơ phờ kể cho anh nghe về việc mất tiền, rồi Thành sẽ diễn thật tự nhiên khi trong đầu đang nghĩ đến những cách để tiêu số tiền vừa trộm được dù nó có được biên số hay không. “Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí tôi. Chỉ một thoáng thôi, tôi đủ tưởng trước được các việc xảy ra như thế, êm thấm và yên lặng, và trôi chảy… dễ dàng quá, mà không còn sợ cái gì cả…”. Những suy nghĩ thoáng qua của Thành cho chúng ta những hình dung rõ hơn về nhân vật. Chính những suy nghĩ ấy cũng trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Trước khi làm điều gì, chúng ta ít nhiều phải lên kế hoạch trước, và những gì mà chúng ta nghĩ bao giờ cũng dễ hơn khi bắt tay vào thực hiện. Rõ ràng là nhân vật Thành trong truyện ngắn này cũng như vậy.

Trong tác phẩm này, chúng ta thấy được bút lực cao cường của nhà văn Thạch Lam đã diễn tả và phơi bày từng góc khuất trong tâm hồn con người một cách chân thật nhất nhưng không khiến cho nó trở nên quá trần trụi và xấu xa. Nhịp văn chậm rãi dường như trở nên hối hả và kịch tính hơn đến mức khiến cho chính người đọc cũng bị cuốn vào dòng cảm xúc của Thành, phải dằn vặt, tranh đấu dữ dội trước cán cân cao thượng và hèn mọn. Đi theo mạch cảm xúc của nhân vật thành, hẳn đã có khoảnh khắc chúng ta nghĩ rằng anh sẽ bỏ qua lương tri để ăn cắp số tiền của Bân nếu xét theo tính cách không thể nói là tốt mà cũng không hẳn là xấu của anh mà chúng ta đúc kết được trong quá trình đọc tác phẩm. Tuy nhiên, Thạch Lam lại một lần nữa đưa chúng ta sang một ngạc nhiên mới, khi mà Thành “đến bên cửa nghiêng nhìn ra ngoài” rồi “đưa tay vào trong áo, luồn vào khe ví, sờ vào mấy tấm giấy bạc”. Sau đó, anh “rùng mình, mấy ngón tay mân mê đầu tấm giấy, một cái, hai cái…” Chính cái rùng mình ấy của anh, không chỉ đưa anh và đọc giả quay trở về với hiện thực, với nhà hát và những cô nàng, mà còn là một bàn tay vô hình kéo Thành trở về với ranh giới giữa lương tri và tội ác. Khó khăn bây giờ của anh là phải đưa ra sự lựa chọn, hoặc tiến thêm một bước sang địa phận của cái xấu và ăn cắp hai tờ giấy bạc của Bân, hoặc lùi về sau một bước, trả lại chiếc áo có cái ví đầy ắp tiền cho người anh họ.

Qua những động từ thể hiện hành động lặp đi lặp lại: “cầm chén nước lên nhấp, rồi lại đặt xuống”, “đứng lên, ngồi xuống, như một cái máy”, người đọc có thể phần nào cảm nhận được sự căng thẳng và dằn xé trong nội tâm của nhân vật. Thời gian lúc này đối với anh trôi qua thật chậm, như muốn anh có thêm nhiều thời gian để suy nghĩ thật kỹ và đưa ra đáp án đúng đắn nhất, phù hợp với đạo đức và không đi ngược lại với lương tâm của mình. “Tôi chỉ băn khoăn, bứt rứt, và thời giờ qua… tôi cảm thấy đi qua tâm hồn tôi từ bên này sang bên kia… như thế không biết trong bao nhiêu lâu…” Cuối cùng, sau những giờ phút kéo dài như hàng năm đè nặng lên tâm trí, anh đi đến quyết định sau cuối của mình, đó là “khẽ thở dài, đứng lên lần này thì nhất định”. Có lẽ chính bản thân Thành cũng không biết tại sao bản thân lại “bỗng nhiên” nói thật với Bân: “Áo anh đây này, đây là áo tôi”. Sau đó, anh còn cảm thấy tiếc vì sau này có lẽ chẳng còn dịp chạm vào cái ví ấy lần nữa. Thế nhưng, những đọc giả chúng ta và nhà văn đều hiểu rõ lý do. Ấy là bởi vì anh Thành không phải là một kẻ xấu xa hoàn toàn hay là một kẻ chỉ chực chờ có cơ hội là cướp đi tài sản của người khác. Bên trong tâm hồn anh vẫn còn giữ lại một hạt giống lương thiện, giữ cho anh vẫn đứng nơi ranh giới mong manh giữa tốt và xấu.

Sau bao nhiêu đắn đo, những kế hoạch vạch ra tỉ mỉ, khoảnh khắc Thành bước ra khỏi nhà hát với chiếc áo của mình trên tay và không một tờ giấy bạc nào của Bân trên người, cũng là lúc mà anh đã vượt qua thách thức của lòng tham cũng như sự cám dỗ ghê gớm của đồng tiền. Lúc nghĩ đến việc lấy cắp tiền của Bân, Thành đã nghĩ “Thế là xong, gọn”, nhưng liệu mọi thứ có thực sự xong? Quả thật hành vi lén lút của Thành đã xong một cách hoàn hảo, nhưng nội tâm của Thành có thật sự thoải mái với những gì đã xảy ra? Điều đó không ai có thể nói rõ, nhưng chắc chắn rằng nếu tương lai trong tưởng tượng của Thành khi đó thật sự diễn ra thì tâm hồn anh sẽ không thanh thản và khoan thai như lúc bây giờ. Và vì như thế, giọng văn lại trở về với cái giọng điệu tinh tế và nhẹ nhàng sâu lắng như khi trước: “Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc”. Lối suy nghĩ của nhân vật rất hợp lý, vì sống trên đời, ai mà không từng trải qua những cám dỗ, dù bình thường hay to lớn, nhưng ít ai thật sự giữ vững lòng mình và vượt qua được chúng. Cảm giác “đè nén được sự cám dỗ” không chỉ có hạnh phúc, mà còn là sự thở phào nhẹ nhõm vì ta đã trở về là chính ta, không bị cái xấu chi phối làm mất đi lương tri của mình.

Thạch Lam luôn khai thác những đề tài hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta nhưng không bao giờ lỗi thời và thiếu đi sự sáng tạo. Thông qua truyện ngắn này, tác giả đã gửi gắm một thông điệp rằng cuộc đấu tranh bên trong nội tâm của mỗi người sẽ luôn tồn tài và gần như không có hồi kết, buộc chúng ta phải vững vàng, tỉnh táo, giữ vững lương tri để vượt qua cám dỗ. Hãy cố gắng để có thể giống như Thành vào cuối tác phẩm, khi mà nhân vật chính của chúng ta đã có thể đứng thẳng lưng, bình tĩnh lại và cảm nhận làn gió mát lạnh thổi trên vầng trán nóng thật dễ chịu. Hình tượng nhân vật Thành đứng chấp chới giữa ranh giới mong manh “Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên… ” của một tâm hồn sạch sẽ và bị vẩy bẩn nhưng cuối cùng vẫn cố giữ cho mình một lương tri trong sạch còn mang ý nghĩa là một tiếng chuông cảnh tỉnh, không quá vang động, nhưng đủ để thấm sâu vào tâm hồn, đối với những ai đang lạc lối.

Thạch Lam đã từng cho rằng: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch”. Điều đó có nghĩa là văn chương ra đời không chỉ để phê phán hay lên án mà quan trọng hơn và là mục đích cuối cùng đó là người làm văn muốn thay đổi thế giới, muốn thức tỉnh con người đứng lên đấu tranh giành lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, đánh đuổi cái ác, cái xấu đang hoành hành ngự trị. Tác phẩm “Sợi tóc”, cũng như nhân vật chính Thành của nhà văn đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ ấy của văn chương. Với tư cách là một người đọc, và hơn hết mà một người đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi xin chân thành cảm ơn tác giả vì tác phẩm có giá trị này. Có thể nói rằng, nhân vật Thành sẽ là một trong những nốt nhấn cảm xúc ấy đeo đẳng, ám ảnh suốt một đời làm tôi trăn trở và xúc động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *