Đoạn trích “Trong đêm Đông” là dòng hồi tưởng của nhà văn về tuổi thơ dữ dội thiếu thốn tình thương của gia đình thông qua nhân vật “tôi”. Hãy cùng đến với bài Cảm nhận về nhân vật tôi trong đoạn trích Trong đêm đông trích hồi kí Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng sau đây nhé!

Dàn ý cảm nhận về nhân vật tôi trong đoạn trích “Trong đêm đông” trích hồi kí Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng

I. Mở bài:

– Dẫn dắt vấn đề nghị luận

II. Thân bài:

1. Là một đứa trẻ bất hạnh không nhận được tình yêu từ gia đình

– Bị bà mắng nhiếc tàn tệ

– Nhân vật là một phần tuổi thơ của nhà văn

– Cuộc sống tủi nhục , thiếu thốn tình thương

=> Khát khao có được hạnh phúc

2. Là một tâm hồn khao khát yêu thương

– Sự khao khát mãnh liệt có được tình thương

+ Giấc mơ về “ bóng người mảnh dẻ”

+ Cảm xúc :Vui sướng , hân hoan, lần đầu cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia

– Tâm hồn mơ mộng , giàu sức sống của tuổi thơ

=> Giấc mơ là biểu hiện của sức sống mãnh liệt luôn tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống

3. Một tâm hồn bé nhỏ cô đơn giữa thực tại

– Nỗi buồn khi giấc mơ tan biến

– Nỗi nhớ nhung tiếc nuối về dáng người mảnh dẻ

– Mong muốn đón nhận tình yêu thương mãnh liệt hơn

III. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị của nhân vật “tôi”

– Đánh giá nội dung nghệ thuật đoạn trích

Cảm nhận về nhân vật tôi trong đoạn trích “Trong đêm đông” trích hồi kí Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng

Bàn về văn học nghệ thuật nhà phê bình văn học Nguyễn Minh Châu từng nói “ Nhà văn tồn tại trên đời trước hết để làm công việc như kẻ nâng đỡ giấc mơ cho những con người bị cùng đường , tuyệt lộ , bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường “ Ý kiến ấy quả thật đúng đắn . Nhà  văn trước tiên là người mở đường những gì chưa ai khơi , viết những gì chưa ai biết .Bằng ngòi bút tài năng và giàu lòng trắc ẩn nhà văn đã thay cho những số kiếp lầm than lên tiếng bênh vực, phê phán xã hội đã chà đạp lên thân phận của những con người bé nhỏ trong xã hội. Tiêu biểu  phải kể đến nhà văn Nguyên Hồng với tập hồi ký nổi tiếng “Những ngày thơ ấu” đã cho ta thấy được sứ mệnh cao cả của nhà văn chân chính. Đặc sắc nhất trong tác phẩm phải kể đến đoạn trích “Trong đêm Đông ”. Đoạn trích là dòng hồi tưởng của nhà văn về tuổi thơ dữ dội thiếu thốn tình thương của gia đình thông qua nhân vật “ tôi ” đồng thời là đoạn trích để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm trăn trở.

Cảm nhận về nhân vật tôi trong đoạn trích Trong đêm đông trích hồi kí Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng

Nguyên Hồng là nhà văn của niềm tin và ánh sáng , luôn đi tìm vẻ đẹp của con người trong khổ đau , khám phá chất thơ của đời sống cần lao. Trích đoạn “Trong đêm Đông” được trích từ tập hồi kí “Những ngày thơ ấu” là những hồi ức sinh động , chân thực và đầy cay đắng về tuổi thơ không mấy êm đềm của nhà văn thông qua nhân vật tôi.

Đến với đoạn trích ta bắt gặp hình ảnh nhân vật tôi – đứa trẻ bất hạnh không đón nhận được tình yêu từ gia đình. Ở độ tuổi của nhân vật , lẽ ra phải được yêu thương chăm sóc như những đứa trẻ khác , nhưng thay vào đó lại là sự rẻ rúm , khinh thường của những thân.

Lời kể chân thực cùng giọng điệu trầm ngâm khiến người đọc như thể được hoà vào là chính nhân vật để cảm nhận được sự tủi hờn những giọt nước mắt chảy ngược trước những lời cay đắng trì triết của người bà . Bởi lẽ đâu đó cũng chính là những ký ức tuổi thơ đầy cay đắng tủi hờn của nhà văn .Chính những lời nói cay nghiệt sự cô đơn thiếu thốn tình cảm ấy đã khiến nhân vật tôi khao khát tình yêu thương hơn bao giờ hết.

Ngay trong cái nghèo đói , khổ sở cái người ta mong muốn duy nhất không chỉ là bữa ăn no mà còn là hơi ấm tình thương. Nhân vật tôi là một tâm hồn luôn khao khát có được tình yêu thương từ thế giới xung quanh.

Khát vọng hạnh phúc mãnh liệt đến ngay  trong giấc mơ của đứa trẻ thế mới biết rằng nó cô đơn , tủi nhục đến nhường nào. Nhà văn đã vẽ nên hạnh phúc cho cuộc đời nhân vật trong bối cảnh giấc mơ . Giấc mơ tuy ngắn nhưng có lẽ là khoảng ký ức tươi đẹp nhất của nhân vật.

Giấc mơ được dựng nên trong bối cảnh một đêm trăng tròn bạc, trên con đường vắng vẻ tối oăm. Đó là khung cảnh của một làng quê nghèo quen thuộc. Cái nghèo đói và khổ cực đã bao trùm lên mọi cảnh vật , khiến nó trở nên hiu hắt tối tăm đến đáng sợ . Cái nghèo ấy còn khiến con người khổ trở nên đay nghiến, cọc cằn và khó chịu với nhau hơn. Trong giấc mơ tối tăm đầy sợ hãi ấy, sự xuất hiện của dáng người mảnh dẻ như một tia ấm làm bừng sáng lên cuộc đời của nhân vật. Thoát khỏi những đau tủi, giày vò ở thực tại, thay vào đó là những cảm xúc hân hoan, vui sướng khi rất lâu mới cảm nhận được hơi ấm của tình yêu thương của sự sẻ chia đồng cảm. Nhà văn đã cho thấy những hành động và cảm xúc đều trở nên hỗn loạn và thay đổi một cách nhanh chóng bằng các hành động “ chạy theo ”, “ nắm tay ” , “ tựa đầu vào vai”. Những hành động ấy diễn ra nhanh chóng như thẻ nhân vật không muốn bỏ lỡ một giây phút nào để tiến tới và đón nhận hạnh phúc của riêng mình. Sống trong cái khổ quá lâu, đôi khi người ta quên mất cái mình cần chỉ là sự quan tâm, chia sẻ . Những điều giản đơn đến thế nhưng lại là thứ mà nhân vật tôi luôn thèm khát và mong muốn có được, vì vậy nên cảm xúc  hành động mới có sự thay đổi nhanh chóng đến đột ngột như vậy.

Dáng người mảnh dẻ cùng   bao lời nói “ âu yếm ” “ thơm tho ” là hình dáng của một người đầy tình yêu thương bao dung , che chở. Người ấy tuy không phải người thân nhưng lại mang đến cho nhân vật cảm giác được che chở , bầu bạn , mang lại vô vàn cảm xúc mà bấy lâu nay luôn phải  kìm nén .

Giấc mơ là biểu tượng cho một tâm hồn trẻ thơ tươi sáng, thơ mộng. Ngay cả khi cuộc sống chỉ  toàn một gam màu đen của sự nghèo khó , ước mơ về một thế giới đầy ắp tình yêu thương vẫn luôn rạo rực, cháy bỏng.

Những điều đẹp đẽ  chỉ xuất hiện trong phút chốc rồi lại vụt tắt. Tuy khao khát có được tình thương là thế nhưng cuộc sống lại đưa nhân vật về với những bất hạnh của thực tại. Tỉnh giấc cùng những tiếc nuối nhân vật  tuy không thốt lên bằng lời nhưng ta lại nghe rõ tiếng thở dài xuyên suốt đoạn trích. Có lẽ những nuối tiếc ấy đã trở thành một nỗi trăn trở lớn và trở thành động lực để nhân vật  tiếp tục hy vọng vào tương lai sáng lạn hơn.

Qua đoạn trích ta thấy xót xa và thương cảm vô cùng với hoàn cảnh éo le của nhân vật “tôi” Tuy hoàn cảnh sống đầy đọa hắt hủi là vậy, nhưng vẻ đẹp trong sáng của một tâm hồn trẻ thơ luôn khao khát và muốn chạm đến tình yêu thương lại tỏa sáng không ngừng. Đoạn trích vừa là tiếng nói thương  cảm xót xa của nhà văn đối với con  người trong xã hội đầy bất công, vừa là lời phê phán tố cáo với xã hội bấy giờ đã chà đạp lên thân phận nhỏ bé của con người , dồn họ tới bước đường cùng. Ngẫm lại cuộc đời nhà văn ,ông đã có một tuổi thơ dữ dội và thiếu thốn tình yêu thương, bởi lẽ đó nên  hình tượng nhân vật “ tôi ” mới trở nên chân thực đến vậy .

Đại thi hào văn học Nga M.Gorki cho rằng “ Văn học là nhân học ”, bởi lẽ đó mỗi nhà văn đều là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy. Nguyên Hồng đã đạt được lẽ đó bởi ông đã rất thành công trong việc khắc họa hình tượng nhân vật “ tôi “ –  một đứa trẻ thiếu đi tình yêu của  gia đình nhưng lại luôn nuôi nấng khát vọng được đón nhận hạnh phúc .Không chỉ vậy nhân vật tôi là một biểu tượng nhân văn sâu sắc và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cùng những trăn trở cho người đọc ở mọi thời đại.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *