“ Mẹ vắng nhà” kể về cuộc sống của những đứa con chị Út Tịch khi chị tham gia kháng chiến. Nổi bật trong đoạn trích là nhân vật Bé. Hãy cùng nhau tìm hiểu những phẩm chất đẹp đẽ của Bé qua Cảm nhận về nhân vật Bé trong đoạn trích “Mẹ vắng nhà” nhé!
Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Bé trong đoạn trích mẹ vắng nhà.
Mở bài:
• Giới thiệu tác giả Nguyễn Thi, đoạn trích “Mẹ vắng nhà”
• Giới thiệu khái quát về nhân vật Bé, ấn tượng của bản thân về nhân vật.
Thân bài: Những vẻ đẹp của nhân vật Bé:
• Là người con hiểu chuyện, ngoan ngoãn và là người chị yêu thương, chăm sóc em chu đáo.
– Mẹ vắng nhà để tham gia kháng chiến, Bé ở nhà thay mẹ chăm sóc cho mấy đứa em, luôn động viên, nhường những
thức ăn ngon cho các em…
– Dù nhớ mẹ nhưng không đòi mẹ phải về với mấy chị em đồng thời cũng nhắc các em không được đòi mẹ vì mẹ còn
tham gia kháng chiến, không muốn mẹ phiền lòng…
– Ngoan ngoãn, lễ phép với hàng xóm, các cô đi kích đi cùng mẹ.
• Là cô bé chịu nhiều thiệt thòi do chiến tranh nhưng luôn vui vẻ, lạc quan và tin tưởng vào tương lai tươi đẹp.
– Chiến tranh khiến Bé phải rời xa mẹ, tuổi đang còn nhỏ nhưng phải trưởng thành và hiểu chuyện hơn vì mẹ và các em.
– Rất thích đi học nhưng phải tạm gác lại vì các em, luôn hướng ánh mắt về phía trường học nơi có cô giáo và bạn bè.
– Tự mở lớp học dạy chữ cho các em, khi được mẹ cho đi học thì vô cùng vui vẻ và háo hức
– Luôn tươi cười, vui vẻ, chờ đợi và tin tưởng mẹ sẽ quay về với chị em, tin tưởng cách mạng sẽ thắng lợi
– Thường trèo lên cây dừa để vừa tìm mẹ, vừa quan sát tình hình chiến đấu của mẹ cùng các cô du kích.
• Là cô bé dũng cảm, có ước mơ và lý tưởng cao đẹp.
– Cố gắng học tập thật tốt để trở thành cô giáo dạy chữ cho tất cả mọi người.
– Không sợ mưa bom bão đạn mà muốn được tham gia cách mạng như mẹ và các cô du kích xung phong.
Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Bài mẫu Cảm nhận về nhân vật Bé trong đoạn trích Mẹ vắng nhà.
Những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm vừa là những trang lịch sử hào hùng của dân tộc vừa là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn, nhà thơ xây dựng các tác phẩm hào hùng về con người, đất nước đương thời. Tiểu thuyết “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi là một trong những tác phẩm khắc họa thành công người phụ nữ – người mẹ anh hùng tiêu biểu cho con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Câu chuyện được viết dựa trên nhân vật có thật – chị Út Tịch ở Trà Vinh. Đoạn trích “ Mẹ vắng nhà” kể về cuộc sống của những đứa con chị khi chị tham gia kháng chiến. Nổi bật trong đoạn trích là nhân vật Bé – đứa con đầu của chị.
Sinh ra trong gia đình đông con, Bé là chị cả và là người được mẹ tin tưởng nhất. Chính vì thế Bé vô cùng hiểu chuyện, biết quan tâm, chăm sóc chu đáo cho các em. Mẹ vắng nhà, Bé thay mẹ yêu thương, che chở và bảo vệ các em. Mặc dù em rất nhớ mẹ nhưng em không bao giờ đòi mẹ ở nhà với chị em đồng thời Bé cũng luôn nhắc nhở các em phải giống như mình. Bé biết rằng mẹ phải tham gia kháng chiến, mẹ còn nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc nên Bé sẽ không để mẹ phải lo lắng thêm cho chị em. Bé muốn mẹ an tâm tham gia du kích, hơn nữa em biết rằng chỉ khi đất nước độc lập thống nhất thì mẹ mới thực sự quay về với chị em. Bé thường leo lên cây dừa để quan sát mẹ, mặc dù em biết khả năng thấy được mẹ rất thấp nhưng vì nhớ mẹ và lo cho mẹ nên việc theo dõi mẹ từ xa đã trở thành thói quen hằng ngày. Em muốn mình có thể thấy mẹ cùng các cô du kích diệt giặc, mặt khác những đứa em của Bé cũng nhớ mẹ nên Bé thường xuyên cung cấp thông tin mình thấy được cho các em. Còn nhỏ tuổi nhưng em rất biết cách yêu thương, chăm sóc các em. Bé thường nhường nhịn những đồ ăn ngon cho các em cũng như giảng hòa những mâu tuẫn, cãi vã của em mình. Bé trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho các em khi mẹ không bên cạnh. Bé ngoan ngoãn, lễ phép với những người lớn, các cô du kích di cùng mẹ, ở Bé người đọc thấy được sự trưởng thành, tháo vát, hiểu chuyện đến xúc động.
Là nạn nhân của chiến tranh, Bé phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nhưng em luôn lạc quan, vui vẻ, tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Đáng lẽ ở lứa tuổi của Bé, em sẽ được vô tư, hồn nhiên lớn lên trong vòng tay ấm áp của mẹ. Thế nhưng chiến tranh không những mang mẹ đi mà còn khiến em phải chín chắn và trưởng thành hơn so với tuổi của mình. Bé rất thích đi học nhưng trường của em đã bị bắn phá, em không thể thực hiện được mơ ước của mình. Bé thích đi học đến mức khi leo lên cây dừa ngoài việc quan sát mẹ thì Bé còn chú ý vào lớp học ở phía bên kia. Nơi ấy có cô giáo, có bạn bè, có những bài học mà em rất muốn được tham gia. Thiếu thốn là vậy nhưng em không bị quan, chán nản với hoàn cảnh hiện tại của mình. Sự lạc quan, vui vẻ ấy ta có thể thấy rõ trong những lời nói dỗ dành, dễ thương của Bé đối với các em hay sự tinh nghịch , hóm hỉnh qua những hành động: leo lên cây dừa quan sát, tự mở lớp dạy học trong đó mình là cô giáo còn các em là học sinh…Bé mạnh mẽ và lạc quan như vậy bởi em luôn tin rằng mẹ sẽ trở về, kháng chiến nhất định thắng lợi.
Bé còn là cô gái dũng cảm với ước mơ, lý tưởng sống cao đẹp. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nhưng Bé không hề mảy may hay quan tâm đến mưa bom bão đạn trên đầu. Trong tâm thức của em chỉ có sự an toàn của mẹ và các em. Bé muốn được học chữ vì lớn lên bé muốn giống mẹ và giống cô giáo, vừa có thể truyền đạt con chữ vừa có thể tham gia kháng chiến chống giặc. Bé là thế hệ yêu nước nối tiếp mẹ và những anh hùng sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp giải phóng nước nhà.
Bằng cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, cây dựng nhân vật chủ yếu qua hành động và lời nói, ngôn ngữ kể linh hoạt cùng cốt truyện hấp dẫn… Nguyễn Thi đã xây dựng thành công nhân vật Bé với những phẩm chất đáng quý. Tác phẩm là viên ngọc quý đối với nền văn học Việt Nam không chỉ trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ mà còn mãi về sau.