Cảm nhận về hình ảnh bữa ăn được nói tới trong tản văn Nghe gió về chụm lửa

Cho văn bản: NGHE GIÓ VỀ CHỤM LỬA – Phong Điệp

Tôi đã không thể tin được vào mắt mình. Rằng có những bữa cơm như thế. Những đứa trẻ lao xao nói cười, chạy va cả vào nhau để lo sao bày biện một cách nghiêm cẩn cho bữa cơm có khách lạ tới thăm, mặc cho tôi nói rằng mình đã ăn rồi để từ chối vì sợ bát cơm vừa đơm lên kia đang được gạn từ suất ăn của một trong những cái bụng con trẻ đang réo lên ùng ục. Bữa ăn chỉ vẻn vẹn 3.000 đồng cho một đầu người. Liệu có thể tin nổi không? Số tiền ít ỏi đến không tưởng ấy? 3.000 đồng với người thành phố không đủ mua cho con trẻ một hộp sữa. Nếu có thì cũng chỉ vừa đủ một gói bim bim, trẻ vừa ăn vừa làm vãi quanh nhà. Ra chợ, 3.000 đồng, mua dưa muối chua còn bị cô chủ quán ngúng nguẩy lườm nguýt chán chê mới chịu bán cho. Vậy mà bữa ăn của trẻ vùng cao, chỉ chừng ấy. Mà no.
3.000 đồng đã là nhiều. Cha mẹ quanh năm suốt tháng bám mặt vào núi, lấy đâu ra tiền. Gạo đong từ nhà đi. Muối cũng gói từ nhà đi. Rau thì rừng cho. Nước thì suối cho. Củi lửa cũng từ rừng. Nhen lên cho những bữa ăn đạm bạc giữa rừng. Mà sống.
Nó thật khác xa với những bữa tiệc tùng liên miên mà sau khi trở về nhà, tôi thấy mình lạ lẫm với chính mình. Rượu rót tràn trề. Những đĩa lớn nhỏ, nghi ngút khói và ngồn ngộn sắc mầu. Chúng bẽ bàng chờ vài đôi đũa hờ hững chạm vào, rồi nằm trơ khấc trên mâm bát ê hề những lời chúc tụng. Hóa đơn thanh toán dài cả gang tay. Rồi cả đám thức ăn ấy đến tàn cuộc bị dồn đồng vào nhau một cách phũ phàng. Thịt cá tanh tao cùng nhau, nhầu nhĩ cùng nhau, bẽ bàng cùng nhau. Người thành phố bây giờ còn mấy người nuôi lợn. Người thành phố nhao nhao ô tô ra đường, cuối tuần đi tắm khoáng nóng, lượn Big C, xem phim bom tấn hoặc lên các tháp đôi uống café ngắm thành phố sáng rực trong ánh điện. Hàng ngày thì chăm chăm lo theo dõi giá vàng tăng, giá đô giảm mà mất ăn mất ngủ. Thành thử ngồi trước bữa cơm mà lòng dạ để trên những hợp đồng chờ kí, những lời hứa hẹn sắp đến hạn mà thon thót lo âu. Thành thử thức ăn ế thừa, dù vẫn còn thơm nưng nức cũng đổ hết vào thùng rác, đổ ào cả xuống cống. Chỉ để béo lũ chuột và chủ nhà hàng thì mỏi tay đếm tiền. Khách khật khưỡng ra cửa, không còn nhớ nổi vị của bát súp mình vừa xì xoạp, mùi của tảng thịt nướng mình vừa nhai vừa nuốt ơ thờ. Chẳng nhớ gì. Không có cảm giác đói. Không cảm giác no. Không cảm xúc. Những bữa ăn nhạt nhẽo và rỗng tuếch. Tiền triệu trả cho những thứ xa xỉ và nhạt nhẽo như vậy.
Trong khi số tiền ấy, cùng với số thức ăn ế thừa ấy, là thứ quá xa vời cho đám trẻ đồng rừng dám mơ tới.
Chúng ở đây, trước mắt tôi. Thằng con trai có lẽ là lớn tuổi nhất dụi lửa cho cái nồi gang khê nồng khói. Tàn tro bám lốm đốm trên mặt vung. Nó chun miệng thổi nhẹ để làm sạch cái vung nồi. Sau đó một lớp muối trắng được rắc lên. Vung nồi nóng rẫy khiến chỉ trong chốc lát những hạt muối trở nên khô rang và trắng như những vụn tuyết. Một đứa bé gái chừng mười tuổi, tóc ngắn cắt nham nhở, mồ hôi do hơi nóng từ bếp lửa khiến cho những viên tóc vàng vọt bết lại vào hai bên má, dúi một cái bát nhỏ vào tay đứa lớn. Muối nghiêng từ vung cơm, đổ vào bát. Canh đồng thời cũng được bê ra. Không dầu mỡ. Không mùi. Chỉ là những cọng rau dớn hái từ bụi cây ven trường học, thả vào nồi nước sôi bùng bục. Nêm chút muối. Bắc ra trịnh trọng, và gọi là canh. Canh không cần bát tô. Mâm bát bày biện đơn sơ chỉ gồm một nồi cơm, một nồi canh, một bát muối khô trắng phau phau nằm xúm tụm vào nhau. Trẻ – ai cầm bát của người ấy. Cơm chia đều cho các bát. Hơi nát. Bữa nào cũng nát. Nhưng không bữa nào người ăn muốn nấu khô. Cô bé mặc áo len cộc tay mầu đỏ ngồi cạnh tôi toét miệng cười khoe “bí quyết”: thổi nát thì mới được nhiều cơm. Bữa nào hết gạo thì nấu cháo luôn. No lúc nào hay lúc ấy. Có ăn là tốt rồi.
Tôi bỗng chạnh nhớ những bữa tiệc mình đã từng có dịp dự. Cỗ bàn ê hề. Hải sản quẫy mình tươi ròng. Cả con bê quay vàng ươm tỏa mùi ngào ngạt. Vậy mà sao tôi vẫn không thấy nước miếng tứa ra, không có cảm giác thèm thuồng, không có cảm giác muốn ăn. Ăn bỗng nhiên trở thành một thứ nghĩa vụ, một thứ thủ tục. Ăn để làm việc. Ăn để thiết lập quan hệ. Ăn để chiều lòng nhau. Không nhiều những bữa ăn mình thực sự muốn ngồi vào, nước miếng xâm xấp đầu lưỡi. Dạ dày cuộn lên từng đợt. Từng miếng, từng miếng thức ăn vồn vã đưa vào dạ dày. Ăn tới đâu, hân hoan tới đấy. Tại sao những bữa ăn như vậy ngày càng hiếm hoi?
Còn ở đây, cái hân hoan rạng ngời trên những đôi mắt trẻ. Những đôi mắt sáng rực rỡ, hong hóng chầu chực vào nồi cơm đang bốc khói giữa nhà, chờ đến lượt mình được xới thêm cơm. Những cái miệng nhai nuốt hào hứng. Vị muối mằn mặn tan chảy trong kẽ răng, trộn vào miếng cơm nóng hổi, đằm đặm trôi vào bụng. Thêm một hớp canh. Canh không dầu mỡ, không mì chính. Chỉ chân chất rau rừng mà không múc nhanh, ăn nhanh thì nước trong nồi đã chạm tới đáy. Thìa đũa khua khoắng lanh canh cho những miếng cơm cuối cùng. Nhìn miệng của nhau ăn mà thấy ngon. Mâm cơm sạch bách, no nê và rạng rỡ. Bát đũa thu vén lại gọn ghẽ. Không hạt cơm rơi. Không thức ăn bỏ chứa. Dọn dẹp xong xuôi, những mái đầu khét cháy ngả xuống cạnh nhau trong giấc ngủ muộn chiều. Bóng đèn điện giữa phòng tắt lịm giữa đồng rừng im ắng.
Vậy mà trong khi đó, những người lớn thành phố chúng ta, và cả những đứa trẻ thành phố bây giờ bỗng nhiên cùng rủ nhau mắc chung hội chứng sợ ăn. Nhìn cái gì cũng thấy ớn, thấy ngán ngẩm, thấy chán chường vô cùng. Trẻ con thấy mẹ bưng bát đến gần là giẫy lên đành đạch, nước mắt nước mũi giàn giụa. Mấy cô mấy chị nội trợ luôn mồm than phiền vì không biết ăn gì, nấu gì cho cả nhà nên ra đến chợ rồi mà cứ đứng ngơ ngẩn như người mù mầu, lòng dạ hoang mang. Thịt bò à? Ôi ôi, gút là phải kiêng thịt mầu đỏ. Thịt lợn à? Ôi ôi, toàn nuôi bằng thuốc tăng trọng. Thịt gà à? Ôi ôi đang có dịch. Đậu phụ nhé? Toàn trộn thạch cao! Đến chuối cũng ngâm hóa chất cho nhanh chín. Hoa quả thì 90% là có chất bảo quản độc hại. Túm lại là bế tắc. Bế tắc toàn tập! Những người thành phố đang bế tắc thảm hại.
[…]
Người thành phố ra đường là phải cảnh giác. Trẻ con chơi với nhau cũng phải cảnh giác. Bài học cảnh giác phải học từ khi còn ẵm ngửa. Đến tận lúc nằm xuống mộ vẫn còn lo cảnh giác chừng ấy là chưa đủ, đề phòng chừng ấy chưa đủ. Ôi những người thành phố đáng thương chúng ta. Chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm trong bi kịch mang tên phố phường.
Trong khi đó, vì đi học xa nhà, nên những đứa trẻ đồng rừng mười mấy tuổi đầu xúm tụm lại với nhau trong căn nhà tập thể kế bên lớp học quây bằng cót ép. Không lo cảnh giác. Không lo đề phòng, đối phó nhau. Gió mùa về tê tái. Những thân hình co ro, xa nhà nép vào nhau sẻ chút hơi ấm. May có ít chăn của đoàn từ thiện mới gửi về, những giấc ngủ say hơn, sâu hơn. Bữa ăn tự túc thì triền miên muối khô và canh rau dớn. Rau mọc bìa rừng, tự sinh, tự lớn. Không thuốc kích thích, không chất bảo quản. Cũng chẳng mất một đồng nào. Nếu có điều kiện cải thiện thì cá khô. Cả năm, bữa thịt bạc nhạc tính chắc có lẽ đếm được trên đầu ngón tay. Thành thử, mười mấy tuổi đầu, đứa nào đứa nấy chỉ như cọng cỏ, khô cháy giữa trời đông vùng cao. Nhưng mắt trẻ đồng rừng ai nấy đều trong văn vắt, và rạng rỡ vô ngần. Mắt trẻ đồng rừng, biết nhìn hạt gạo như hạt ngọc của trời. Nâng niu. Cố không làm sót hạt nào trong bữa ăn đơn sơ đến không thể đơn sơ hơn được nữa. Chúng biết cách thực sự là những con người, biết thương yêu nhau và sống mạnh mẽ giữa mưa rừng gió núi. Biết nghe gió về chụm lửa chờ cơm sôi. Bình thản sống, như cây giữa rừng.

(Trích Có mẹ trong cuộc đời, Phong Điệp, NXB Phụ nữ, 2018, tr. 134 – 141)

* Nhà văn Phong Điệp, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phong Điệp, sinh năm 1976 tại Giao Thủy, Nam Định. Cô hiện công tác tại báo Nhân dân và là Ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025. Phong Điệp đã công bố 30 đầu sách gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết (Lạc chốn thị thành, Ga kí ức…), truyện ngắn (Khi ta hai mươi, Ma mèo, Phòng trọ, Biên bản bão…), truyện dài cho thiếu nhi (Nhật kí Sẻ đồng: chào em bé, Chúng mình làm bạn, con nhé…), tản văn (Bay trên mái nhà thành phố, Có mẹ trong cuộc đời này…), đối thoại văn học (Mạn đàm văn chương thời @, Cuộc phiêu lưu của những cái tôi…). Nhiều tác phẩm đã được dịch, xuất bản tại Pháp, Mĩ, Trung Quốc…

Viết bài nghị luận trình bày cảm nhận về hình ảnh bữa ăn được nói tới trong tản văn trên.

Gợi ý

1. Mở bài 

– Giới thiệu tác giả Phong Điệp, tác phẩm “Có mẹ trong cuộc đời này”.

– Giới thiệu đoạn trích “Nghe gió về chụm lửa” và nêu vấn đề nghị luận: hình ảnh bữa ăn.

2. Thân bài

a) Khái quát về thể loại

– Tản văn là một tiểu loại của kí, gần với tuỳ bút, cũng là tác phẩm tự sự phi hư cấu. Nội dung các bài tản văn thường nêu lên các hiện tượng chân thực, gần gũi với cuộc sống nhưng giàu ý nghĩa xã hội. Từ đó, người viết bộc lộ trực tiếp tình cảm, suy nghĩ mang đậm cá tính của mình. Giống như tuỳ bút, tản văn cũng có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, trong đó, thường yếu tố tự sự nhiều hơn.

b) Hình ảnh bữa ăn trong tác phẩm

– Hình ảnh mở đầu, kết thúc và cũng là xuyên suốt văn bản đều là hình ảnh của bữa cơm đám trẻ học sinh vùng cao: khi thì được nhắc tới riêng, khi thì được đối sánh với bữa cơm ở thành phố.

– Bữa cơm của học sinh vùng cao “chỉ vẻn vẹn 3.000 đồng cho một đầu người” mà được coi “đã là nhiều” bởi gạo, muối từ nhà mang đi, rau, nước, củi lửa từ rừng mà nên. Nó khác hoàn toàn với mức sống ở thành phố: phải gấp không biết bao nhiêu lần con số 3.000 đồng ấy cho một món ăn rồi cho những món ăn bừa phứa còn nguyên vẹn bỏ vô thùng rác và người gọi chúng cũng chả nhớ tới mùi vị của chúng như nào và có ngon miệng không

– Bữa cơm thường ngày rét của đám trẻ vùng cao là cơm nóng nấu nồi gang trên bếp củi nhưng bữa nào cũng nát bởi không đủ gạo nên phải nấu nát để ăn cho được no, với muối nóng giòn nhảy trên vung cơm, rồi nồi canh rau dớn không dầu mỡ, không mùi chỉ có chút muối bỏ vào nhưng khua khoắng một lát đã hết “không hạt cơm rơi. Không thức ăn bỏ chứa”. Tác giả đã quan sát rất chăm chú, kĩ lưỡng từng thao tác từ việc chuẩn bị bữa cơm của đám trẻ cho đến “cái hân hoan rạng ngời trên những đôi mắt trẻ. Những đôi mắt sáng rực rỡ, hong hóng chầu chực vào nồi cơm đang bốc khói giữa nhà, chờ đến lượt mình được xới thêm cơm. Những cái miệng nhai nuốt hào hứng.”

– Bữa cơm đạm bạc của những đứa trẻ đồng rừng lại đáng trân trọng vô cùng bởi nó là bữa ăn của sự quây quần, quấn túm sẻ chia cùng nhau. Bữa cơm đáng quý bởi đám trẻ “biết nhìn hạt gạo như hạt ngọc của trời. Nâng niu. Cố không làm sót hạt nào trong bữa ăn đơn sơ đến không thể đơn sơ hơn được nữa. Chúng biết cách thực sự là những con người, biết thương yêu nhau và sống mạnh mẽ giữa mưa rừng gió núi. Biết nghe gió về chụm lửa chờ cơm sôi. Bình thản sống, như cây giữa rừng.”.

=> Hình ảnh bữa cơm của học sinh vùng cao là minh chứng cho sự phân hoá giàu nghèo rõ rệt giữa các vùng miền. Bữa cơm được tả đầy chân thực để ta hiểu rằng đó không chỉ là cuộc sống mà còn là những giá trị cốt lõi giản đơn: biết trân trọng những thứ mình có, biết chia sẻ với những người xung quanh mình.

c) Thái độ, quan điểm của tác giả

Khi nói về bữa ăn của trẻ đồng rừng, tác giả luôn có cái nhìn đối sánh với những chi tiêu sinh hoạt, những bữa ăn của người thành phố, thậm chí của chính mình. Nhìn cách bọn trẻ ăn, bọn trẻ sống, tác giả vừa thêm thương xót cho sự thiếu thốn, vừa thêm trân trọng sự mộc mạc, hồn nhiên trong mắt trẻ nhưng cũng vừa tự vấn lại chính mình và những người như mình bởi chính bữa cơm nghèo khó kia đã giúp tác giả hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa và giá trị của cuộc sống này.

3. Kết bài

– Khẳng định lại hình ảnh bữa cơm trong tác phẩm.

– Liên hệ mở rộng với các bài tản văn khác cùng chủ đề, nếu có.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *