Căn cứ vào văn bản, người ta chia làm hai loại: Chi tiết trong văn xuôi và chi tiết trong thơ.
1. Chi tiết trong văn xuôi
Chi tiết trong văn xuôi thường là chi tiết sự vật và chi tiết sự việc. Chi tiết sự vật thường gắn với 3 đối tượng: cảnh vật, đồ vật, nhân vật.
Cảm nhận chi tiết trong văn xuôi khi học Ngữ văn ở trường phổ thông có thể không phân loại nhưng nhất thiết phải hiểu rõ chi tiết đó đóng vai trò gì trong mạch truyện, trong diễn biến tính cách, số phận nhân vật. Nói cách khác là luôn gắn chi tiết với tổng thể để thấy được tính thống nhất của một chỉnh thể nghệ thuật. Quan trọng hơn là qua đó, hiểu được ý đồ nghệ thuật, đọc được tư tưởng, tình cảm nhà văn muốn gửi gắm. Đồng thời, thấy được tài năng sáng tạo của người cầm bút.
2. Chi tiết trong thơ
Khác với văn xuôi, thơ được xem là vương miện của nền văn học, là tinh chất của ngôn ngữ văn học. Một ngôn ngữ chưa có thơ là một ngôn ngữ chưa phát triển. Một sự đổi mới văn học mà chưa có sự đổi mới về thơ là sự đổi mới chưa hoàn thiện. Chi tiết vốn là lẽ sống của nghệ thuật, với thơ, chi tiết là hồn cốt. Bài thơ sống được hay không là nhờ chi tiết. Chi tiết trong thơ thu hẹp lại trong một giới hạn nhỏ trong thi ảnh và ngôn từ. Đối với một bài thơ, nếu nắm được thi ảnh và ngôn từ đặc sắc xem như đã nắm được linh hồn bài thơ, gọi là nắm được nhãn tự, kết tinh được thần thái linh hồn tác phẩm. Quy mô chi tiết trong thơ thường nhỏ hơn rất nhiều trong tác phẩm văn xuôi.
Trong bài thơ “ Đò Lèn” (Nguyễn Duy) gồm 6 khổ, tác giả viết về một tuổi thơ nghèo khó bên cạnh người bà tần tảo. Hệ thống chi tiết cảnh vật được nhà thơ liệt kê gồm: cống Na, đồng Quan, ga Lèn, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền cây Thị, đền Sòng…, giúp người đọc hình dung về diện mạo một miền quê với những cảnh trí rất dân dã, gần gũi, quen thuộc. Quan trọng hơn, nó giúp Nguyễn Duy thể hiện sâu sắc thân phận người bà: Đó là thân phận con sâu cái kiến, thân phận thảo dân, mang sắc thái dân đen, đối lập với Tiên Phật, Thánh thần… Bài thơ nói về sự ân hận, sự trưởng thành muộn màng của người cháu. Sống bên bà nhưng vô tâm với nỗi khổ của bà, sống bằng sự chăm sóc, yêu thương vất vả của bà mà cháu không hề biết.
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
Giữa bà tôi và Tiên Phật thánh thần
Người cháu đã sống rất thực với cái hư và sống rất hư với cái thực. Chữ hư mang hai nghĩa: hư ảo và hư đốn. Nó chi phối quyết định đến mạch tâm sự mang màu sắc triết luận, thể hiện quá trình giải thiêng, giải ảo. Nhìn ở góc độ tình cảm, đó là quá trình rời khỏi niềm tin ngây thơ dành cho thánh thần để đến với tình thương dành cho người bà, từ đối tượng mơ hồ đến đối tượng thực. Đôi khi người ta phải trả giá cho những bài học vô cùng đắt. Khi biết yêu thương thì bà đã mất rồi. Nhìn từ góc độ đời sống, đó là cuộc rời bỏ những đối tượng không xứng đáng để đến với đối tượng xứng đáng hơn. Chính người dân kia mới làm nên hiện thực đời sống. Chỉ hai chi tiết “hư” – “thực” đã nói lên sự sụp đổ niềm tin của tác giả, rời bỏ thế giới của đức tin đơn thuần để đến với hiện thực cuộc đời gần gũi, đáng tin hơn.
Chi tiết trong thơ nhiều khi là một mật mã. Giải mã chi tiết tức nắm được ý đồ nghệ thuật, ý đồ tư tưởng của nhà thơ. Chỉ qua một vài con chữ trong Truyện Kiều, như chữ “tót” (Ghế trên ngồi tót sỗ sàng), chữ “cò kè” (Cò kè bớt một thêm hai) mà thi hào Nguyễn Du đã lật tẩy cả một chân dung kẻ con buôn, vô học, thô lỗ của nhân vật Mã Giám Sinh, hay một chữ “lẻn” làm lộ ra một tính cách mờ ám, lén lút, tráo trở… của Sở Khanh, hay hai chữ “mặt sắt” đã gọi ra một chân dung tính cách lạnh lùng, hiểm độc, tàn nhẫn và bỉ ổi của Hồ Tôn Hiến… Các chữ “tót”, “cò kè”, “mặt sắt” được gọi là những chi tiết đắt giá làm nổi lên hồn cốt nhân vật.
Cảm nhận chi tiết trong thơ không chỉ là đi tìm nhãn tự, giải mã từ ngữ, cắt nghĩa hình ảnh mà cần đặt nó trong tương quan với các biện pháp tu từ, cách sử dụng ngôn ngữ, âm, vần, nhịp điệu…để khám phá cái hay, cái đẹp của câu thơ. Đặc biệt, cần chú ý đến tứ thơ, vì mọi chi tiết trong thơ thường xoay quanh tứ thơ. Tách rời chi tiết khỏi tứ thơ là tách rời nó khỏi chỉnh thể nghệ thuật, mọi sự khám phá sẽ thiếu tính toàn vẹn. Chi tiết có thể giống nhau nhưng tứ thơ là sáng tạo đơn nhất, không lặp lại. Gắn chi tiết với tứ thơ mới thấy được tài năng sáng tạo của thi sĩ.
Ngoài những yếu tố nêu trên, cảm nhận chi tiết trong thơ còn đòi hỏi người đọc có một năng lực thẩm thấu nhất định. Cảm thụ thơ xưa nay chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi đó là sự cảm thụ cái hay, cái đẹp. Để hiểu về cái hay, cái đẹp cần có sự kết hợp giữa một tâm hồn nhạy cảm biết rung động với một con mắt tinh tế biết phát hiện và một khả năng sử dụng ngôn từ chọn lọc. Cần một sự bồi đắp, trau dồi, rèn giũa lâu dài mới đạt được.
Tóm lại, khó thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật. Với nhà văn, quá trình sáng tạo gắn liền với ý thức làm nên những chi tiết đặc sắc, góp phần thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm. Chi tiết gánh trọng trách chuyển tải đến người đọc những thông điệp mà nhà văn gửi gắm, những cách nhìn và quan niệm sâu xa về con người và cuộc đời của người nghệ sĩ. Với người đọc, cảm nhận chi tiết nghệ thuật là mở những cánh cửa đầu tiên để đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Nhà văn sẽ không thể làm nên tên tuổi nếu tác phẩm của anh ta không bắt đầu từ những chi tiết. Người đọc sẽ không nối được nhịp cầu tri âm với tác giả nếu không thông qua tác phẩm từ những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhất bởi chân lí trong sáng tạo nghệ thuật luôn là: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.