Hình ảnh thiên nhiên luôn gắn liền với cuộc sống con người, thiên nhiên đã từ lâu trở thành đề tài quen thuộc của các thi sĩ. Và hình ảnh mưa cũng không phải ngoại lệ. Dưới đây là dàn ý và bài văn nghị luận làm rõ đặc sắc về hình ảnh thơ qua văn bản Mưa- Anh Thơ giúp chúng ta thấy được bức tranh thiên nhiên bình dị chốn thôn quê. Cùng theo dõi nhé.

Dàn ý nghị luận làm rõ đặc sắc về hình ảnh thơ qua văn bản Mưa – Anh Thơ

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Nêu vấn đề cần nghị luận(nghị luận làm rõ đặc sắc về hình ảnh thơ qua văn bản Mưa)

2. Thân bài

– Tác giả đã chọn đề tài mưa với khung cảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống.

– Hình ảnh thân thuộc gắn liền với cuộc sống chốn thôn quê, gắn liền với những con người bình dị chất phác: tre, cau, bông lúa vàng, bè rau muống,…

+ Tre: dũng cảm, kiên cường, bất khuất

+ Cau: tình yêu đôi lứa, son sắt thủy chung

– Nhân hóa: tre lả lướt, cau thẳng mình, bông lúa vàng rũ rượi,…

– Con người: cu bé, người gánh hang, lũ gà, ruồi, nhặng, lũ lợn,…

=> Hình ảnh gắn bó gần gũi với đời sống hằng ngày.

3. Kết bài

– Nhà thơ đã khéo léo chọn những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thôn quê tạo nên ấn tượng vô cùng sâu sắc, gợi trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai.

Bài văn nghị luận làm rõ đặc sắc về hình ảnh thơ qua văn bản Mưa – Anh Thơ

“Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy”. Nhà thơ Anh Thơ mang đến cho độc giả tác phẩm “Mưa” in trong tập thơ “bức tranh quê” 1941. Tác phẩm nói về cảnh thiên nhiên bình dị chốn thôn quê với những tình cảm gắn bó thắm thiết. Đặc biệt qua những nét đặc sắc về hình ảnh, tác phẩm đã gợi trong ta bao cảm xúc khó phai.

Hình ảnh thiên nhiên luôn gắn liền với cuộc sống con người, thiên nhiên đã từ lâu trở thành đề tài quen thuộc của các thi sĩ. Tác giả đã chọn đề tài mưa với khung cảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống, chứ không phải cảnh mưa buồn hay mưa gợi một cảm giác lạnh nhẽo. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh thân thuộc gắn liền với cuộc sống chốn thôn quê, gắn liền với những con người bình dị chất phác. Đó là hình ảnh tre, cau, bông lúa vàng, bè rau muống,…Trong tâm thức người Việt, cây tre, bóng cau, bông lúa chín vàng,… không chỉ gắn liền với hình ảnh làng quê bình dị thân thương mà còn mang nhiều ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Tre là biểu hiện cho sự dũng cảm, kiên cường, bất khuất cùng với sức sống mãnh liệt. Cây tre là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt lao động và sản xuất của văn hóa người Việt. Nhắc đến cau người ta nghĩ ngay đến sự gắn kết của tình yêu đôi lứa, là biểu tượng cho sự sum họp đoàn tụ, son sắt thủy chung. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, với nền văn hóa lúa nước hình ảnh cây lúa từ lâu đã trở thành biểu tượng thân thương của người nông dân Việt Nam. Tất cả những hình ảnh quen thuộc đó được tác giả nhân hóa, làm cho sự vật trở nên gần gũi sinh động và gợi cảm. Tre lả lướt, cau thẳng mình, bông lúa vàng rũ rượi,…Nhờ đó ta thấy được vẻ đẹp duyên dáng thướt tha và tràn đầy sức sống của hàng tre, cây cau dưới mưa. Con người cũng hiện lên thật đẹp trong bức tranh thiên nhiên đầy sức sống. Cu bé, người gánh hang, lũ gà, ruồi, nhặng, lũ lợn,…là những hình ảnh gắn bó gần gũi với đời sống hằng ngày. Qua đó ta thấy được cái nhìn đa chiều của tác giả về cuộc sống lao động. Nhà văn đã quan sát một cách tinh tế, với ngòi bút đầy chọn lọc tác giả đã nhìn thấy sự nhọc nhằn vất vả của người lao động qua “gánh hàng như trĩu quang mưa”.

Hình ảnh trong thơ ca là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tâm hồn vốn vô hình trở nên hữu hình hóa. Nhà thơ đã khéo léo chọn những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thôn quê tạo nên ấn tượng vô cùng sâu sắc, gợi trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *