Lão Hạc là một người nông dân có số phận đau thương, yêu thương con tha thiết và có những phẩm chất vô cùng cao quý. Hãy cùng Hocmai360 trả lời câu hỏi Đọc hiểu Hôm sau, lão Hạc sang nhà tôi (Trắc nghiệm) nhé!

Nội dung văn bản: Hôm sau, lão Hạc sang nhà tôi

Hôm sau, lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:

– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

– Cụ bán rồi?

– Bán rồi? Họ vừa bắt xong.

Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ẩng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:

– Thế nó cho bắt à?

Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…

– Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiển, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! …

… Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai, rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy… Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài của ráy, hay bữa trai, bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi:

– Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…

… Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng. Ta khó mà ở cho vừa ý họ… Một hôm, tôi phàn nàn về việc ấy với Binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:

– Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó…

Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:

– Lão bảo có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão… Lão định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu.

Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết… Một người như thế ấy!… Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!… Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng… Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ một ngày một thêm đáng buồn…

Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu.

Nhưng nói ra làm gì nữa! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết! chứ không chịu bán đi một sào…”.

(Lão Hạc, Nam Cao -Ngữ văn 8 tập 1).

Đọc hiểu Hôm sau, lão Hạc sang nhà tôi (Trắc nghiệm)

Câu 1: Truyện ngắn Lão Hạc đã được nhà văn Nam Cao sáng tác theo thể loại nào?

A. Tiểu thuyết

B. Truyện ngắn

C. Hồi kí

D. Truyện dài

Đáp án: B. Truyện ngắn

Giải thích: 

Dựa vào định nghĩa Truyện ngắn

Truyện ngắn là thể thoại văn xuôi tự sự ngắn gọn, súc tích và có ý nghĩa, có cốt truyện thường được viết dưới dạng mẫu truyện nhỏ mà người đọc dễ dàng tiếp thu và hiểu được nội dung văn bản. Truyện ngắn có thể viết về mọi phương diện trong đời sống.

Văn bản trên ngắn gọn, súc tích, có cốt truyện viết về số phận Lão Hạc – người nông dân có phẩm chất quý báu trong xã hội cũ ==> Truyện ngắn Lão Hạc đã được nhà văn Nam Cao sáng tác theo thể loại Truyện ngắn

Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích viết về vấn đề gì?

A. Số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ và những phẩm chất quý báu tiềm tàng của họ.

B. Cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ đến cùng cực của người nông dân.

C. Tình cảm cảm động của con người đối với con vật trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn.

D. Tình cảm của người cha luôn quan tâm và thương yêu con hết mực.

Đáp án: A. Số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ và những phẩm chất quý báu tiềm tàng của họ.

Câu 3: Trong đoạn trích Lão Hạc, nhân vật lão Hạc được khắc họa là một người như thế nào?

A. Là một người nông dân sống ích kỉ, chỉ lo cho bản thân mình, sẵn sàng bán rẻ người khác.

B. Là một người nông dân có số phận đau thương, yêu thương con tha thiết và có những phẩm chất vô cùng cao quý.

C. Là một người nông dân có thái độ sống cao thượng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

D. Là một người nông dân gàn dở, ngu ngốc, bần tiện.

Đáp án: B. Là một người nông dân có số phận đau thương, yêu thương con tha thiết và có những phẩm chất vô cùng cao quý.

Câu 4: Nhân vật nào đã trở thành chỗ dựa tinh thần, trở thành bạn thân của lão Hạc?

A. Binh Tư và thằng Xiên.

B. Thằng Xiên và thang Mục.

C. Ông giáo và con Vàng.

D. Ông giáo và Binh Tư.

Đáp án: C. Ông giáo và con Vàng

Câu 5: Lúc về già nhân vật lão Hạc không gặp phải khó khăn nào sau đây?

A. Lão bị một trận ốm thập tử nhất sinh, người trở nên gầy yếu hơn.

B. Con trai lão đòi cưới vợ nhưng lão không đủ tiền lo cho nó.

C. Trận bão phá sạch hoa màu trong vườn mà lão bỏ bao công sức để vun trồng.

D. Không ai thuê mướn lão nữa vì lão đã quá già yếu, vì thế lão không có cái ăn.

Đáp án: B. Con trai lão đòi cưới vợ nhưng lão không đủ tiền lo cho nó

Giải thích: Không được nhắc đến trong bài

Câu 6: Sự xuất hiện của nhân vật Binh Tư có tác dụng nêu bật đức tính gì ở lão Hạc?

A. Lão rất biết tận dụng thời cơ để cải thiện đời sống.

B. Lão Hạc rất hiền lành, không quan tâm đến chuyện hàng xóm.

C. Lão Hạc trước sau vẫn sống một cuộc đời đạm bạc, thật thà và lương thiện.

D. Lão Hạc rất yêu thương con và yêu thương con chó Vàng.

Đáp án: C. Lão Hạc trước sau vẫn sống một cuộc đời đạm bạc, thật thà và lương thiện.

Câu 7: Đoạn văn sau có từ tượng hình nào: “Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”

A. co rúm, nghẹo, móm mém.

B. hu hu, co rúm, nghẹo, móm mém.

C. hu hu, co rúm, móm mém.

D. co rúm,  móm mém.

Đáp án: A. co rúm, nghẹo, móm mém.

Giải thích: 

Dựa vào định nghĩa Từ tượng hình

Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật

==> Từ tượng hình ở câu trên là co rúm, nghẹo, móm mém.

Câu 8: Nguyên nhân sâu xa nào khiến lão Hạc quyết định chọn cái chết bằng cách ăn bả chó?

A. Lão Hạc quá ân hận vì đã trót lừa bán đi con chó thân thiết.

B. Lão Hạc không có tiền để nộp thuế cho bọn quan lại.

C. Vì lão Hạc không còn tiền để sinh sống và không muốn làm phiền mọi người.

D. Vì lão Hạc rất thương con, lão nghĩ mình chết đi sẽ dành dụm được thêm cho anh con trai một số vốn.

Đáp án: D. Vì lão Hạc rất thương con, lão nghĩ mình chết đi sẽ dành dụm được thêm cho anh con trai một số vốn.

Đọc hiểu Hôm sau, lão Hạc sang nhà tôi (Tự luận)

Câu 9. Thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc như thế nào qua đoạn kết trên?

Thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc qua đoạn kết trên thể hiện sự đồng cảm, thương xót trước cái chết đau đớn của lão Hạc; Nhân vật tôi trân trọng, ngợi ca nhân cách của lão Hạc – người nông dân có số phận đau thương, yêu thương con tha thiết và có những phẩm chất vô cùng cao quý

Câu 10: Cảm nhận của em về tâm trạng của lão Hạc được thể hiện trong đoạn văn trên (Trình bày 3- 5 câu)

Lão Hạc là một người nông dân có số phận đau thương, yêu thương con tha thiết và có những phẩm chất vô cùng cao quý. Vì lão Hạc rất thương con, lão nghĩ mình chết đi sẽ dành dụm được thêm cho anh con trai một số vốn và đã bán cậu Vàng – chú chó trong gia đình ông. Khi bán cậu Vàng đi ông vô cùng đau đớn, buồn khổ, tự dằn vặt bản thân. Mất cậu Vàng chẳng khác nào mất đi một phần cơ thể của ông. Lão luôn cố gắng gượng cười để che đi sự đau khổ ấy. Đối với ông thì cậu Vàng giống như một con người chứ không phải là một con chó nữa.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *