Đề bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (con người trong mối quan hệ với xã hội, cộng đồng, đất nước).

Học sinh với trách nhiệm xây dựng trường học hạnh phúc.

Xây dựng trường học hạnh phúc là gì?

Trường hạnh phúc là nơi mà tình yêu thương giữa thầy và trò, giữa các học sinh, giữa các giáo viên được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Môi trường giáo dục chú trọng giảng dạy không chỉ kiến thức, kỹ năng học sinh còn thiếu mà còn hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ phát huy tối đa tiềm năng, niềm yêu thích và say mê học tập.

Không dừng lại ở đó, thông điệp trường học hạnh phúc còn hướng đến môi trường học tập mở ra cơ hội rèn luyện, nâng cao thể chất, trải nghiệm bầu không khí tích cực, thoải mái khám phá của học sinh. Nơi không tồn tại bạo lực học đường, các hành vi vi phạm đạo đức, không hành xử xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể giáo viên và học sinh.

Ngôi trường hạnh phúc còn là từ khóa quen thuộc của ngành giáo dục, là dự án của UNESCO khởi động từ năm 2014. Mục đích của dự án này là thúc đẩy hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của người học. Trường học trở thành cái nôi coi trọng, nuôi dưỡng tài năng, phát triển thế mạnh và đa dạng kết quả học tập của mỗi học sinh.

Nghị luận “Học sinh với trách nhiệm xây dựng trường học hạnh phúc”

1. Mở bài

Nêu vấn đề đời sống và ý kiến riêng của người viết về vấn đề đó.

– Phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã và đang được triển khai sâu rộng trong các nhà trường trên cả nước, được lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO.

– Xây dựng một trường học hạnh phúc được quyết định bởi 3 chủ thể: nhà trường, phụ huynh và học sinh.

– Học sinh có trách nhiệm to lớn để lan tỏa các giá trị nhân văn của phong trào và mang lại hạnh phúc cho chính bản thân chúng ta.

2. Thân bài

* Vì sao lại có ý kiến như vậy? (Lí lẽ, bằng chứng).

– Để xây dựng trường học hạnh phúc, có ba yếu tố cần được quan tâm xây dựng: Tình yêu thương, sự an toàn và sự tôn trọng.

+ Trường học hạnh phúc là nơi mà tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên đều cảm thấy hạnh phúc. Cùng nhau gắn bó, chia sẻ, động viên nhau những niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ bạn khi cần thiết. Vậy nhưng đó đây còn có lúc chúng ta quên mất tình yêu thương của chính bản thân mình.

+ Không phải lúc nào chúng ta cũng được an toàn! Nguy cơ từ bạo lực học đường, từ tác động tiêu cực của công nghệ thông tin, mạng xã hội… vẫn luôn hiện hữu.

+ Vẫn còn tồn tại hành vi thiếu tôn trọng thầy cô, thiếu tôn trọng bạn bè ở một bộ phận nhỏ học sinh.

– Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu, là mơ ước, và thực sự rất cần nỗ lực tham gia của mỗi học sinh chúng ta.

* Ý kiến đó đúng đắn như thế nào? (Lí lẽ, bằng chứng).

– Mỗi chúng ta cần tự trang bị những kĩ năng, nhận thức và hành động để đảm bảo an toàn, ngăn chặn và đẩy lùi những nguy cơ, hành vi phản văn hóa từ bên ngoài tấn công, xâm nhập nhà trường.

– Khi chúng ta có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để mỗi người không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội.

– Chúng ta phải sẵn sàng phải trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể; biết quan tâm đến hoàn cảnh của các bạn; hiểu rõ những khó khăn của bạn mình để cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ.

– Hạnh phúc với mỗi học sinh đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời nói, cái vỗ vai hay nắm tay chân tình;… đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ trở thành kỉ niệm khó quên suốt cuộc đời.

– Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quang đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.

– Khi mỗi chúng ta cảm thấy được hạnh phúc sẽ tạo cho bản thân sự phấn chấn, mê say trong học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành người hữu ích cho xã hội.

Có thể nói: trường học hạnh phúc là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất.

* Liên hệ, mở rộng vấn đề. (Lí lẽ, bằng chứng).

– Trong bối cảnh giao lưu hội nhập hiện nay, mỗi học sinh chúng ta phải biết kết nối và lan tỏa các giá trị của nhà trường, của giáo dục và tranh thủ được sự sẻ chia, ủng hộ từ phía gia đình, cộng đồng, kể cả cộng đồng thông qua mạng xã hội.

– Biết sử dụng đúng cách, phát huy hiệu quả trang thiết bị giáo dục trong học tập và nghiên cứu.

– Biết tận dụng và phát huy vai trò của các không gian sáng tạo, vui chơi, thư giãn trong nhà trường. Biết quan tâm chăm sóc, bảo vệ cảnh quan, không gian, môi trường sư phạm xanh – sạch – đẹp, gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống. Góp phần tạo dựng giá trị cho ngôi trường thân yêu, tạo sự thư thái, gợi những xúc cảm đẹp, tiếp thêm năng lượng trong quá trình học tập và rèn luyện.

3. Kết bài: Những nhận thức và hành động người đọc cần hướng tới.

Mô hình trường học hạnh phúc là một thông điệp, quyết tâm lớn của ngành giáo dục nói chung và của nhà trường chúng ta nói riêng. Từ những tín hiệu tích cực của phong trào, bản thân mỗi chúng ta cần nỗ lực không ngừng để đáp ứng tốt những yêu cầu của phong trào, góp phần xây dựng ngôi trường hạnh phúc và chung tay đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà trong thời kỳ mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *