Tìm hiểu tác giả Võ Quảng và bài thơ Mầm non

Tác giả Võ Quảng

Võ Quảng (1/3/1920 – 15/6/2007)

  • Nhà văn nổi tiếng của Việt Nam
  • Tác phẩm chủ yếu: Đề tài thiếu nhi
  • Dịch giả đầu tiên của Don Quijote sang tiếng Việt (bút danh Hoàng Huy, 1959)
  • Sinh tại: xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
  • Học tú tài tại Quốc học Huế
  • Ủy viên Ban nhi đồng Trung ương, phụ trách văn học cho thiếu nhi
  • Sáng lập và Giám đốc NXB Kim Đồng
  • Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam
  • 1965: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
  • 1968: Công tác tại Bộ Văn hóa
  • 1971: Công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi
  • 2007: Nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

Bài thơ Mầm non

Bài đọc:

Dưới vỏ một cành bàng
Còn một vài lá đỏ,
Một mầm non nho nhỏ
Còn nằm nép lặng im.

Mầm non mắt lim dim
Cố nhìn qua kẽ lá
Thấy mây bay hối hả
Thấy lất phất mưa phùn
Rào rào trận lá tuôn
Rải vàng đầy mặt đất
Rừng cây trông thưa thớt
Thấy chỉ cội với cành…
Một chú thỏ phóng nhanh
Chạy nấp vào bụi vắng
Và tất cả im ắng
Từ ngọn cỏ làn rêu…

Chợt một tiếng chim kêu:
– Chiếp, chiu, chiu! Xuân tới!
Tức thì trăm ngọn suối
Nổi róc rách reo mừng
Tức thì ngàn chim muông
Nổi hát ca vang dậy

Mầm non vừa nghe thấy
Vội bật chiếc vỏ rơi
Nó đứng dậy giữa trời
Khoác áo màu xanh biếc…

Thông điệp bài thơ Mầm non:

Khích lệ các em bước ra ngoài thế giới, ngắm nhìn bầu trời, đám mây, ngắm nhìn vạn vật xung quanh em, để từ ấy có thể vươn đôi cánh tưởng tượng rộng mở cho trẻ thơ qua hình ảnh ” Mầm non”.

Phương thức biểu đạt chính bài thơ Mầm non:

Biểu cảm

Biện pháp tu từ trong bài thơ Mầm non:

Biện pháp tu từ nhân hóa

Thể hiện ở các câu thơ

Còn nằm nép lặng im./ Mầm non mắt lim dim/ Nổi róc rách reo mừng

Đoạn văn trình bày cảm xúc của em khi đọc bài thơ Mầm non của Võ Quảng

Võ Quảng là cây bút xuất sắc viết về văn học thiếu nhi ở nước ta. Ông được các nhà phê bình văn học, các đồng nghiệp đánh giá cao. Ông sáng tác cả thơ lẫn truyện. Ở thể loại nào tác giả cũng thành công và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Bài thơ Mầm non là một trong những bài thơ hay của Võ Quảng. Bài thơ có 26 câu, được viết theo thể thơ năm chữ nhẹ nhàng, tươi vui, giọng thơ giản dị, trong sáng, chắc khỏe, bất ngờ, hóm hỉnh. Mở đầu bài thơ hiện lên hình ảnh một cây bàng cuối đông chỉ còn một vài lá đỏ và một Mầm non nho nhỏ đang nép mình lặng im, nhưng qua sự quan sát và cảm nhận tinh tế của mình, nhà thơ đã nghe, đã thấy, đã biết được bước đi của mùa xuân. Các sự vật trong bài thơ hiện ra thật sinh động, tươi mới. Người đọc có cảm giác như đang nghe được tiếng chảy róc rách của nước suối, đang được ngắm ngàn vạn chim muông tung cánh hát ca vang dậy. Khúc nhạc mùa xuân tưng bừng, rộn rã, náo nức, tươi vui trở nên huyền diệu hơn khi xuất hiện chiếc áo màu xanh biếc của cây bàng đứng dậy giữa trời làm cho độc giả không khỏi trầm trồ, xuýt xoa trước cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp. Cảm ơn tác giả Võ Quảng đã giúp em hiểu và yêu hơn cảnh sắc thiên nhiên, yêu thêm những sự vật xung quanh mình.

Bài văn cảm nhận bài thơ Mầm non của Võ Quảng

Võ Quảng là nhà thơ trẻ mãi với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Thơ ông nhẹ nhàng, hóm hỉnh như khúc đồng dao. Ngôn ngữ và cảm xúc trong sáng, ý tưởng tươi tắn, hồn nhiên, cách diễn đạt tinh tế, đó là phong cách nghệ thuật và hồn thơ đậm đà của Võ Quảng.

Bài thơ “Mầm non” với 26 câu thơ ngũ ngôn đã hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của phong cách nghệ thuật và hồn thơ đáng yêu ấy.

Hai chữ “mầm non” xuất hiện ba lần trong bài thơ, được viết hoa mang tính biểu trưng cho một linh hồn thơ bé, cho cái mới tươi non xinh đẹp trong cuộc đời.

Mở đầu bài thơ là một cây bàng cuối đông (nơi sân trường?) chỉ còn lại “một vài lá đỏ”. Khi ấy, một mầm non đang nín thở đợi chờ. Sự tinh tế của thi sĩ là đã “nghe”, đã “thấy”, đã “biết” bước đi của mùa xuân qua hai tín hiệu “lá đỏ” và “mầm non”:

“Dưới vỏ một cành bàng

Còn một vài lá đỏ,

Một mầm non nho nhỏ

Còn nằm ép lặng im.”

Đang nín thở, đang đợi chờ, đang “lim dim” đôi mắt, Mầm Non “cố nhìn qua kẽ lá” thấy và nghe vũ trụ đang chuyển mình. Tạo vật đang chuyển mình theo những bước đi cuối cùng của mùa đông. Mây “hối hả” bay. Mưa phùn lất phất” rây bụi mờ:

“Mầm Non mắt lim dim

Cố nhìn qua kẽ lá

Thấy mây bay hối hả

Thấy lất phất mưa phùn”.

Cảnh vật tưởng như và còn nhiều vương vấn. “Mầm Non” vẫn nép mình nằm im đợi chờ mùa xuân. Lắng nghe lá rơi “rào rào” theo chiều gió cuốn. Mặt đất rải vàng lá cây. Không gian trở nên thoáng đãng. Rừng thưa thớt. Cây trụi lá trơ cành. Mùa đông đã tàn. Mùa xuân đang tới:

“Rào vào trận lá tuôn

Rải vàng đầy mặt đất

Rừng cây thông thưa thớt

Như chỉ cội với cành…”

Cảnh vật đổi thay trước mùa đông tàn. Thỏ giật mình. Ngọn cỏ, làn rêu đều nín thở đợi chờ mùa xuân đang đến. Cùng với “Mầm Non”, thi sĩ đã mơ hồ cảm thấy một sự chuyển mình của tạo vật:

“Một chú thỏ phóng nhanh

Chạy nấp vào bụi vắng

Và tất cả im ắng

Từ ngọn cỏ làn rêu…”

Mùa xuân đã đến rồi. Một buổi sớm mai. Quá bất ngờ trước một tiếng chim, một tín hiệu vui, ngân vang thánh thót. Xuân tới cùng khúc nhạc mùa xuân:

“Chợt một tiếng chim kêu

– Chiếp chiu, chiu! Xuân tới!”.

Nước suối dâng đầy, như vừa “róc rách” chảy vừa cất tiếng “reo mừng”. Ngàn vạn chim muông tung cánh “hát ca vang dậy” đón chào mùa xuân tới. Khúc nhạc mùa xuân thêm tưng bừng. Vũ điệu mùa xuân thêm náo nức, hớn hở. Điệp ngữ “tức thì” như 2 nốt nhạc du dương trong giai điệu, nhịp điệu hối hả mùa xuân. Suối reo, chim hót hay Mầm Non và nhà thơ cùng reo, cùng hát:

“Tức thì trăm con suối

Nổi róc rách reo mừng

Tức thì ngàn chim muông

Nổi hát ca vang dậy”

Và “Mầm Non” sau bao ngày đêm “nằm ép lặng im” đợi chờ, đã “nghe thấy”, đã cựa mình, rồi “đứng dậy”, rồi “khoác áo”:

“Mầm Non vừa nghe thấy

Vội bật chiếc vỏ rơi

Nó đứng dậy giữa trời

Khoác áo màu xanh biếc.”

“Mầm Non” “đứng dậy” rồi “khoác áo màu xanh biếc” là một hình tượng đẹp và khỏe, tượng trưng cho sức sống mùa xuân, vẻ đẹp thanh xuân và tinh khôi của thiên nhiên.

Hình tượng Mầm Non còn mang hàm nghĩa ngợi ca cái mới, cái trẻ trung, cái tươi đẹp xuất hiện đã thay thế cho cái già nua, cái tàn tạ, cũ kĩ trong cuộc đời.

“Mầm Non” là ca khúc mùa xuân, là vũ điệu mùa xuân, nó còn là khát vọng mùa xuân. Ý vị triết lí, chính là giá trị đích thực của bài thơ ngũ ngôn “Mầm Non” vậy!.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *