Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) chỉ ra và phân tích ngắn gọn tác dụng của yếu tố tượng trưng trong bài thơ Bầy cừu của Nguyễn Quang Thiều.

Tìm hiểu về tác giả Nguyễn Quang Thiều và bài thơ Bầy cừu

Tác giả Nguyễn Quang Thiều

Tiểu sử:

– Nguyễn Quang Thiều sinh ngày 13/02/1957, tuổi Đinh Dậu, tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

– Ông tốt nghiệp đại học tại Cuba và hiện sống tại thành phố Hà Đông.

Cuộc đời:

– Nguyễn Quang Thiều là một con người đa năng trong các lĩnh vực văn chương, báo chí, và hội họa.

– Ông từng làm việc tại tuần báo Văn Nghệ, Tuần Việt Nam (thuộc báo điện tử Vietnamnet.vn).

– Từng là Ủy viên Hội đồng Thơ khóa VII, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Sáng tác, và Giám đốc Trung tâm Dịch thuật văn học Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII – IX.

– Từ ngày 10/05/2017, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

– Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025), ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi và Mỹ La Tinh.

Sự nghiệp:

– Bắt đầu viết văn từ năm 1983, Nguyễn Quang Thiều nhanh chóng nổi lên như một trong những nhà thơ trẻ cách tân hàng đầu của thế hệ mình.

– Ông ghi dấu ấn không chỉ trong thơ ca mà còn ở văn xuôi, tiểu luận, dịch thuật, và góp phần quan trọng trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

– Ngoài văn chương, ông còn là một họa sĩ, với cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên “Người thổi sáo” vào tháng 01/2021 gây tiếng vang lớn. Tranh của ông đã được sưu tầm trong nhiều bộ sưu tập ở trong và ngoài nước.

Bài thơ Bầy cừu

Bài đọc

BẦY CỪU

Như những đám mây nhỏ trôi trên những triền đồi từ ban mai đến đêm tối
Những con cừu vùng Achill không hề than thở về số phận của chúng
Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ im lặng thực hiện sứ mệnh vô thức
Đi từ chân đồi lên đỉnh đồi trong gió lạnh không bao giờ ngừng thổi trên vùng đảo.
Đi và đi, thi thoảng kêu lên, chợt nhớ điều gì đó
Tiếng buồn bã tan trong sóng biển vỗ chân đồi

Vào lúc ban mai thêm một con cừu trong đàn biến mất
Những mảnh thân xác tản mát đâu đó
Những con cừu khác lại im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng
đi từ chân đồi lên đỉnh đồi,
                 những ngọn đồi…
                                       những ngọn đồi…
                                                             những ngọn đồi…
                                                                                        bất tận.

(Bầy cừu, Nguyễn Quang Thiều, in trong Sự mất ngủ của lửa, Nxb Lao động, Hà Nội, 1992)

Nội dung: Bài thơ Bầy cừu nói về một bầy cừu thực hiện sứ mệnh vô thức của mình: Không than thở, không đau khổ, không tuyệt vọng, im lặng, mỗi ngày đều đi từ chân đồi lên đỉnh đồi. Khi một con cừu trong đàn biến mất, những con cừu khác biểu lộ thái độ: vẫn im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng – đi từ chân đồi lên đỉnh đồi. Nghĩa là chúng không quan tâm đến cái chết của đồng loại.

Thông điệp rút ra: Nếu không có tiếng nói riêng, không có sự gắn kết với đồng loại, con người sẽ trở nên lặng lẽ, vô cảm, sống mà chỉ như tồn tại.

Chỉ ra và phân tích ngắn gọn tác dụng của yếu tố tượng trưng trong bài thơ Bầy cừu của Nguyễn Quang Thiều

Các yếu tố tượng trưng trong bài thơ Bầy Cừu

Hình ảnh chủ đạo của bài thơ là hình ảnh bầy cừu, đây là một hình ảnh thơ mang tính tượng trưng. Bầy cừu tượng trưng cho một kiểu người trong xã hội: Sống lặng lẽ, vô cảm như một cái máy với những thói quen, công việc lặp đi lặp lại; sống giữa cộng đồng nhưng họ không quan tâm đến đồng loại, đến những người xung quanh; họ cũng không có tiếng nói riêng, không có tư duy phản biện.

Tác dụng của yếu tố tượng trưng trong bài thơ Bầy cừu

– Nghĩa tả thực: nhìn từ bề ngoài của ngôn từ, bài thơ nói về bầy cừu ở vùng Achill: chúng không hề than thở về số phận, không khổ đau, không tuyệt vọng, ngày ngày im lặng di chuyển, kể cả khi có một con cừu bị chết thì mọi sự vẫn cứ thế diễn ra, không mảy may thay đổi.

– Ý nghĩa biểu tượng: nếu tìm hiểu ở bề sâu, chúng ta thấy tác giả đang dùng hình ảnh bầy cừu đề nói về loài người, cụ thể hơn, nói về những con người quen sống với tâm lí nô lệ, những đám đông nô lệ: những con người đó cũng giống như những con cừu vậy, họ không dám hé miệng than thở về nỗi khổ đau, họ nhẫn nhục tuân theo mọi sự sai khiến của người khác, họ thờ ơ trước nỗi khổ đau, thậm chí cái chết của đồng loại. Khi tâm lí nô lệ đã ăn sâu vào tâm trí, trở thành thói quen, thì con người cũng chẳng khác gì những con cừu.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *